.
CHUYỆN NHÀ

Con có phải là con mẹ không?

Cập nhật: 10:30, 27/04/2018 (GMT+7)

Chị Trang - hàng xóm nhà tôi có cậu con trai đang học lớp 9, vừa bước vào tuổi dậy thì - độ tuổi dở dở ương ương khiến bao phen vợ chồng chị và con ồn ào tiếng cãi vả. Ba mẹ quát mắng, cậu con trai hoặc lầm lì không trả lời, hoặc cãi lại rất to. Thỉnh thoảng, gặp chị Trang đi chợ, tôi lại thấy chị than phiền: “Thằng Tùng giờ hư lắm rồi, không thể nào dạy nổi”…

Tùng hay chơi với một nhóm bạn chung sở thích xếp lego. Thỉnh thoảng ba mẹ Tùng lại nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm chuyện em không làm bài tập, ngủ trên lớp, gây gổ với bạn hoặc không học bài. Nóng giận, ba Tùng thường đánh em rất đau, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. 

Hôm đầu tuần, cô giáo điện thoại thông báo Tùng không đi học phụ đạo. Vợ chồng chị Trang bỏ làm, về kiếm con, hóa ra Tùng mải chơi xếp lego với mấy bạn ở một quán trà sữa gần trường. Không nói không rằng, ba Tùng tát con giữa quán và lôi con về, đồng thời chỉ mặt nhóm bạn còn giao du với Tùng sẽ báo phụ huynh. Sau đó, ba Tùng ném luôn bộ lego của con vào thùng rác trong quán. 

Một cuộc “hỏi cung” diễn ra sau đó. Tùng cứ lầm lì dù ba em liên tục đánh đòn và hỏi đã bỏ học bao nhiêu lần? Còn mẹ Tùng vừa quát tháo, vừa than vãn sao Tùng lại khác thế? Sao lại làm biếng vệ sinh thân thể, sao không lo học hành mà chỉ mải chơi? Sao không ngoan hiền như bạn Quỳnh nhà cô Tú, bạn Hưng nhà cô Linh? Chợt Tùng nhìn ba mẹ với ánh mắt lạnh lùng: “Vậy mẹ nhận bạn Quỳnh và bạn Hưng làm con đi?”. Vợ chồng chị Trang sững người trước phản ứng của Tùng. Sau đó Tùng phải viết bản kiểm điểm, phải hứa sẽ không bỏ học, không chơi lego với nhóm bạn nữa.

Tối đó, khi Tùng đã ngủ, chị Trang vào phòng con. Chị giật mình nhận ra Tùng đã cao vổng. Trong khi sắp xếp lại vài bộ đồ trong tủ quần áo của con cho gọn, chị thấy cuốn sổ nhỏ Tùng ghi chép vài trang nguệch ngoạc. Dòng mới nhất con viết: “Lâu rồi con có để ba mẹ phiền lòng vì cô nhắc con không làm bài hay học bài đâu. Con bỏ học chiều nay là sai, nhưng ba mẹ có cần đánh chửi con giữa quán, vứt bộ lego yêu thích của con không, có cần quát tháo khiến nhóm bạn con hoảng sợ không? Con không có nhiều bạn và cả nhóm đều là học sinh giỏi chứ không phải bỏ học lêu lổng và lôi kéo con như ba mẹ áp đặt?”. Lật những trang sau, Tùng ghi: “Tôi là ai? Sao lại sinh tôi ra?”. “Con có phải là con của ba mẹ không?”… Dòng chữ ấy được Tùng viết hoa, tô đậm, như một sự giày vò…

Chị Trang rời khỏi phòng con, chợt cảm thấy hối hận vì thời gian qua chỉ mắng chửi con mà không chú ý con đang ở độ tuổi dậy thì. Sự thay đổi tâm sinh lý khiến con có những thay đổi nhất định, không phải là đứa trẻ gọi dạ bảo vâng như trước, nhưng con cũng đã ý thức việc học, sau thời gian bị cô giáo nhắc nhở giờ đã học tốt, vẫn giữ sức học như trước. Trang điện thoại cho tôi tâm sự, tôi bảo: “Vợ chồng chị đã nóng giận quá rồi, hãy nói chuyện và khuyên nhủ con, thay vì chửi mắng hoặc đánh con”. 

Chị Trang xuống nhà trò chuyện với chồng rồi quyết định, ngày mai, sau bữa cơm tối, họ sẽ trò chuyện với con như những người bạn thực sự, sẽ lắng nghe con trải lòng và sẽ đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu cần, chị sẽ xin lỗi con vì đã so sánh con với những người bạn khác. Chị tự hứa sẽ dành thêm thời gian cho con, cho phép con mỗi tuần 1 ngày sau khi làm xong bài tập trên lớp sẽ được gặp mặt và chơi cùng nhóm bạn chung sở thích… Chị muốn khẳng định với con rằng con là một đứa trẻ tuyệt vời, rằng ba mẹ sẽ không bao giờ so sánh con với ai khác, rằng con mới chính là cậu bé mà ba mẹ luôn mong đợi và tự hào…

THẢO NGUYÊN

.
.
.