.
SỔ TAY

Quây bắt tin nhắn rác bằng chiếc lưới quá thưa

Cập nhật: 18:30, 04/03/2018 (GMT+7)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, năm 2017, Bộ TT&TT đã yêu cầu các DN quản lý chặt việc đăng ký và lưu trữ thông tin thuê bao; hướng dẫn các DN di động nghiên cứu, thống nhất ký cam kết và thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các DN di động. Tháng 5-2017, 5 nhà mạng cung cấp dịch vụ di động đang hoạt động tại Việt Nam cũng đã ký cam kết chặn tin nhắn rác. Mới đây, từ 1-3-2018 Bộ TT-TT quy định các nhà mạng chỉ được khuyến mại tối đa 20% cho thuê bao trả trước… Đây được xem là những động thái của đơn vị quản lý nhằm siết chặt nạn tin nhắn rác hoành hành người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhiều dạng tin nhắn quảng cáo, mời chào dịch vụ đến từ chính các nhà mạng cũng là một dạng tin nhắn rác đang làm phiền người tiêu dùng.

Nhiều khách hàng phàn nàn, mỗi ngày họ nhận được khoảng 4-5 tin nhắn của nhà mạng. Nội dung của các tin nhắn chủ yếu là mời bình chọn kết quả bóng đá, mời chơi game, quảng cáo nghe nhạc, chào mời trúng thưởng, mua dịch vụ dữ liệu tốc độ cao 3G/4G, dự báo thời tiết, khuyến mại nạp thẻ, xem video... Theo phân tích của các chuyên gia viễn thông, tin nhắn rác hầu như không giảm mà chỉ chuyển sang hình thức đầu số dịch vụ, trong đó lượng tin nhắn từ nhà mạng tăng đáng kể. Những tin nhắn chỉ hiển thị tên như: tên nhà mạng, tên công ty hay từ các đầu số đã lọt lưới phần mềm lọc tin rác trên điện thoại di động. Nguyên nhân được cho là do quyền lợi của nhà mạng quá lớn nên họ không quyết liệt ngăn chặn tin nhắn rác. Ngược lại, các nhà mạng còn góp phần gia tăng lượng tin rác gửi đến khách hàng. Với hàng trăm công ty cung cấp dịch vụ nội dung đang hoạt động hiện nay, việc phát tán hàng ngàn tin nhắn rác mỗi ngày mang lại doanh thu khổng lồ cho DN lẫn nhà mạng.

Thiết nghĩ, khi nhà mạng không quyết liệt trong việc ngăn chặn tin nhắn rác thì các biện pháp mang tính “ngăn ngừa” như giảm khuyến mại cho thuê bao trả trước, yêu cầu đăng ký chính chủ các sim thuê bao trả trước… chỉ là những chiếc “lưới thưa” mà các nhà mạng dễ dàng chui lọt. Và cuối cùng, khách hàng vẫn là người phải chịu những tin nhắn mà các nhà mạng hàng ngày vẫn quăng vào điện thoại khách hàng một cách hợp pháp.

QUANG VŨ

.
.
.