.
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO (24-3):

96% bệnh nhân lao được điều trị khỏi

Cập nhật: 17:35, 23/03/2018 (GMT+7)

Trong những năm qua, nhờ duy trì hiệu quả mạng lưới phòng chống lao ở tất cả các tuyến y tế, tỷ lệ điều trị lao thành công tại  BR-VT luôn đạt cao (khoảng 96%). Đặc biệt, bệnh nhân lao kháng thuốc đã được thu dung điều trị ngay tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm lao trong cộng đồng. 

Xét nghiệm, phân tích mẫu bệnh phẩm bằng công nghệ Gene Xpert hiện đại tại Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí cho kết quả chính xác, góp phần phát hiện sớm bệnh lao.
Xét nghiệm, phân tích mẫu bệnh phẩm bằng công nghệ Gene Xpert hiện đại tại Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí cho kết quả chính xác, góp phần phát hiện sớm bệnh lao.

Trạm Y tế (TYT) thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc hiện đang quản lý và điều trị cho 11 bệnh nhân lao. Hầu hết các bệnh nhân đều tham gia uống thuốc đều đặn, tái khám đúng lịch hẹn và có ý thức thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Bé, một trong những bệnh nhân lao đang điều trị tại TYT thị trấn Phước Bửu cho biết, cách đây 7 tháng, ông phát hiện mình bị bệnh lao khi đi khám tại Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh). Bác sĩ tư vấn cho ông đăng ký điều trị lao ở địa phương trong chương trình phòng chống lao của tỉnh để được theo dõi quản lý và điều trị bệnh miễn phí. Sau đó, ông đã đến TYT thị trấn Phước Bửu đăng ký tham gia điều trị lao từ đó cho tới nay. Hiện tại, sức khỏe của ông Bé đã tiến triển tốt, tình trạng ho giảm nhiều, cân nặng cũng đã bắt đầu tăng trở lại.

Không riêng TYT Phước Bửu, hiện nay, 82/82 TYT xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có thể quản lý và theo dõi điều trị cho bệnh nhân lao ngay tại cộng đồng. Tất cả các TYT đều có nhân viên chuyên trách lao, cùng phối kết hợp của các tình nguyện viên của các cấp Hội Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ phát hiện và chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân lao. Ở Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng có tổ lao và phòng xét nghiệm lao để thực hiện công tác khám phát hiện và quản lý điều trị bệnh nhân lao trên địa bàn, tạo thành mạng lưới phòng chống lao bao phủ rộng khắp toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 tổ lao tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị ma túy của tỉnh và Trại giam Xuyên Mộc để quản lý và điều trị lao cho những đối tượng tại các cơ sở này. 

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Lao kháng thuốc của bệnh viện. Ảnh: MẠNH THẮNG
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Lao kháng thuốc của bệnh viện. Ảnh: MẠNH THẮNG

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc BV Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, BR-VT nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận từ 1.400 - 1.500 ca lao, trong đó khoảng 800 người mắc lao phổi và con số tử vong do lao hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 4%. Do đó, bệnh lao vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, trong những năm qua, ngành y tế luôn nỗ lực để duy trì tốt mạng lưới phòng chống lao ở cộng đồng, giúp công tác phát hiện và điều trị lao trong cộng đồng đạt mục tiêu của chương trình chống lao đề ra là phát hiện hơn 80% bệnh nhân lao mới và điều trị khỏi cho hơn 90% bệnh nhân lao. Riêng năm 2017, ngành y tế đã phát hiện 1.335 bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng. Tất cả các bệnh nhân lao đều được thăm khám và điều trị, trong đó số bệnh nhân đã được điều trị khỏi là 1.282 người, đạt tỷ lệ 96%.

Bên cạnh đó, từ khi đưa vào hoạt động BV Phổi Phạm Hữu Chí (tháng 6-2017), những bệnh nhân lao kháng thuốc đã được thu dung điều trị ngay tại đây. Nhờ vậy, bệnh nhân không phải chuyển đến BV Phổi Bình Thuận điều trị như trước đây, đồng thời nâng cao chất lượng điều trị bệnh lao, giảm tình trạng bệnh nhân bỏ trị do ngại đi xa. 

“Để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh lao kháng thuốc, BV Phổi Phạm Hữu Chí đã được trang bị 2 máy Gene Xpert làm xét nghiệm và khu điều trị nội trú gồm có 10 giường bệnh. Hiện BV đang quản lý điều trị cho 49 bệnh nhân lao kháng thuốc. Những bệnh nhân này đều được điều trị nội trú tại BV từ 1-2 tháng. Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn tiếp tục được các bác sĩ của BV theo dõi quản lý và tái khám định kỳ”, bác sĩ  Nguyễn Trường Giang cho biết thêm. 

MINH THIÊN

.
.
.