.

Áo dài xưa và nay

Cập nhật: 08:08, 23/03/2018 (GMT+7)

Khởi nguồn từ chiếc áo giao lãnh 4 vạt ở thế kỷ XVII, chiếc áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi để phục vụ nhu cầu về trang phục của người phụ nữ. Hiếm có trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam như chiếc áo dài truyền thống. 

Vòng chung kết cuộc thi
Vòng chung kết cuộc thi "Em yêu áo dài truyền thống Việt Nam" 2018. Ảnh: MINH THANH

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ nhưng hiện nay, áo dài thường được biết đến nhiều hơn với tư cách là trang phục nữ. 

Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam với chế độ phong kiến, phân chia giai cấp, tầng lớp khá rõ ràng. Những người phụ nữ khá giả đã biến tấu áo tứ thân thành áo ngũ thân (5 tà) để thể hiện sự quyền quý, cao sang, phân biệt mình với những người thuộc tầng lớp lao động nghèo khó. Áo được may rộng, bên trong có thêm một áo ngắn để tăng độ kín đáo. Chất liệu gấm và tơ dành cho những người giàu có, người nghèo thì may áo dài bằng vải. 

Thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, gấu áo dài thường được may trên mắt cá chân khoảng 20cm, mặc với quần trắng hoặc đen. Năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường ở phố Hàng Da (Hà Nội), đã cải tiến áo dài với những chi tiết mới mẻ và lạ lẫm như cổ áo khoét hình trái tim, cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ, vai áo may bồng, tay nối ở vai, khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải.

Thập niên 60 - 70, chiếc áo dài bắt đầu tôn lên những nét quyến rũ nhất của người phụ nữ Việt Nam. Eo được may thắt lại, có người còn dùng dây quanh áo phía trong ở vòng 2 để eo nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang, dài gần đến mắt cá chân, làm cho người mặc có dáng "thắt đáy lưng ong". Thời điểm đó, tại Sài Gòn, áo dài được may bằng nhiều chất liệu, với đủ màu sắc, hoa văn, được phụ nữ Sài Gòn sử dụng trong mọi hoạt động, từ đi chơi, đi chợ, tiếp khách ở nhà, cho đến cưới xin, đi dự tiệc... Cũng trong giai đoạn này, kiểu áo dài cổ hở do bà Trần Lệ Xuân thiết kế đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì tôn lên vẻ đẹp vừa hiện đại vừa truyền thống của người phụ nữ. Đến gần cuối những năm 1960, áo dài mini trở thành mốt thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. 

Sau thời kỳ này đến năm 1990, áo dài không thay đổi nhiều lắm so với truyền thống, thỉnh thoảng cũng có vài mẫu đổi mới, chẳng hạn như quần và áo đồng màu, nhưng không phổ biến… Năm 2002, áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. 

Những năm gần đây, áo dài được thời trang hóa với nhiều sự cách tân, kết hợp nét văn hóa dân tộc với yếu tố thời trang hiện đại, tạo nên nét riêng độc đáo của tà áo dân tộc trong các buổi trình diễn tuần lễ thời trang quốc tế và trong các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, các sự kiện trang trọng. Nhiều nhà thiết kế áo dài Việt Nam đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước như: Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng, Việt Hùng… 

Sự kết hợp vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ đã làm chiếc áo dài Việt Nam có sức hút đặc biệt, luôn là biểu tượng thời trang, biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Và dù có cách tân thế nào thì chiếc áo dài truyền thống vẫn luôn là trang phục không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam.

AN HÒA
(tổng hợp)

.
.
.