.

Mưu sinh trên dòng sông Dinh

Cập nhật: 18:59, 26/03/2018 (GMT+7)

Vớt dầu loang, ve chai, chở người qua sông… là những cách mà gần 20 phụ nữ nghèo đang kiếm sống trên đoạn sông Dinh chảy qua phường 11, TP.Vũng Tàu.

Các chị em phụ nữ làm công việc vớt dầu loang, lượm ve chai tại khu vực sông Dinh (phường 11, TP.Vũng Tàu).
Các chị em phụ nữ làm công việc vớt dầu loang, lượm ve chai tại khu vực sông Dinh (phường 11, TP.Vũng Tàu). 

Chiếc ghe nhỏ của Nhung chở tôi chòng chành trên sông. Thỉnh thoảng, mỗi lúc Nhung đưa vợt vớt ve chai, ghe lại nghiêng sang một bên, tôi phải bám chặt tay vào mạn, run rẩy.

Biết tôi không đi ghe nhiều, Nhung trấn an: “Anh cứ ngồi yên, thả lỏng người ra, không sao đâu ạ”. Rồi Nhung kể: “Ngày nào cũng vậy, em bắt đầu ra sông từ 5 giờ sáng, mãi đến 6 giờ chiều mới đưa ghe vào bờ, lo cơm nước. 8 năm nay, trừ khi ốm đau, mưa gió lớn hoặc có chuyện đột xuất, còn không là ngày nào cũng ra sông anh ạ. Ở khúc sông Dinh này có cả vài chục chị em vớt ve chai, vớt dầu, đưa đò trên sông kiếm sống”.

Nhung năm nay đã gần 27 tuổi. Mới 19 tuổi Nhung đã từ Nam Định vào Vũng Tàu bám dựa vào khúc sông này. Nhung cho biết, ban đầu, chỉ vài chị em biết gom ve chai trôi nổi trên sông. Rồi người này rỉ tai người kia, mỗi ngày một đông. “Người đông thì của ít, nhưng chị em không bao giờ ghen ghét nhau. Ai cũng hiểu mình đều khổ như nhau cả, còn sức đâu để ghét nhau nữa” - Nhung nói - “Nhặt ve chai, đi trên sông riết rồi thấy nhiều đoạn loang dầu nên vớt thử. Ai dè, vớt dầu về lại bán được quá, còn hơn cả ve chai. Thành ra bây giờ chị em vừa vớt ve chai, vừa vớt dầu, mỗi ngày chèo tới, chèo lui cả vài chục cây số có khi cũng kiếm được vài trăm ngàn”.

Dầu loang trên sông Dinh thường là từ các tàu lớn rò rỉ, hoặc từ việc dọn rửa ghe tàu. Làm nghề gì biết nghề đó - những người phụ nữ ở đây chỉ cần nhìn con nước lên xuống cũng có thể đoán biết được các vị trí có khả năng có dầu loang. Khi thấy vệt dầu loang, họ dùng gậy gỗ gom dầu vào một góc, rồi vớt bằng những chiếc túi ni-lông.

Dầu vớt lên được cho vào can và phơi nắng để loại bỏ nước. Dầu loại 1, có giá từ 10-15 ngàn đồng /lít, có thể tái sử dụng thì được bán cho các tàu, thiết bị sử dụng dầu máy; dầu loại II, III có giá từ 5-9 ngàn đồng/lít - họ bán lại cho các cửa hàng sửa chữa, lau chùi máy móc, cửa hàng sửa xe máy…

Không chỉ vớt ve chai, dầu loang, những phụ nữ ở đây còn tranh thủ chở khách qua sông. Khách của họ là những kỹ sư, công nhân, bạn thuyền di chuyển ra tàu lớn hoặc các công trình trên sông. Mỗi lần đưa khách qua sông, họ kiếm được từ 10-50 ngàn đồng tùy vào khoảng cách.

Anh Nguyễn Văn Hải là khách đi ghe quen thuộc tại đây cho biết: Công việc của các chị em ở đây tuy thường xuyên phải đội nắng, đội mưa và lênh đênh vất vả nhưng mọi người đều vui vẻ. Các chị tần tảo góp nhặt những nguồn thu nhập nhỏ để chăm lo cho cuộc sống gia đình là điều rất đáng quý.

Nhung đưa chúng tôi đến gần ghe của chị Trần Phương Hoa (SN 1985, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chị Hoa cũng đã làm nghề này được 3 năm. “Ban đầu, để đưa ghe đi đúng hướng phải mất cả tháng tập chèo. Chân sưng tấy, người khi nào cũng nôn nao vì sóng. Nhưng rồi dần dần cũng quen, bây giờ lại thấy công việc này thú vị. Nói để vui, chứ chúng tôi làm nghề này, ngoài chuyện kiếm sống ra, không khéo còn giúp gìn giữ cho khúc sông này sạch đẹp nữa. Rác chúng tôi cũng nhặt, dầu loang cũng không từ”, chị Hoa cười tươi diễu cợt cái nghề lận đận của mình.

Vậy mà chị Hoa nói có phần đúng. Công việc của các chị, dù chỉ là một cách mưu sinh, nhưng cũng đã bớt cho dòng sông Dinh bao nhiêu rác, bao nhiêu dầu loang mà ở đâu đó người ta vẫn vô tâm, vô ý xả xuống dòng sông.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.