.

Loại bỏ việc áp đặt chỉ tiêu số lượng trong đào tạo nghề

Cập nhật: 18:16, 25/03/2018 (GMT+7)

Năm 2018, BR-VT tiếp tục trung nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động. Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH đã có cuộc trao đổi với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu xung quanh nội dung này.

nghe lai xe may keo.jpg: Lao động xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ tham gia lớp học đào tạo nghề lái xe máy kéo hạng A4 năm 2017
Lao động xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ tham gia lớp học đào tạo nghề lái xe máy kéo hạng A4 năm 2017

Phóng viên: Thưa bà, Sở vừa phối hợp với Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu, Công ty TNHH Hải Hân tổ chức lớp đào tạo nghề nghiệp vụ bàn-buồng cho LĐNT huyện Đất Đỏ. Khóa đào tạo này được thực hiện theo đơn đặt hàng của DN và LĐNT sau khi được đào tạo có việc làm ngay. Theo bà đây có phải là hướng đi đúng đắn trong dạy nghề phi nông nghiệp cho LĐNT năm 2018 hay không?

- Bà Lê Thị Trang Đài: Chuyển hướng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT đã được Sở thực hiện từ năm 2014 và được đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây. Theo tôi, chủ trương đào tạo nghề tạo gắn với DN là chủ trương hay nhất vì người lao động được “cầm tay chỉ việc” và đúng với ngành nghề mà DN đang cần tuyển dụng. Thời gian học nghề cũng chính là thời gian để người lao động tìm hiểu văn hóa làm việc tại DN, tìm hiểu các chế độ, chính sách cũng như làm quen với DN. Cách đào tạo này giúp nhà quản lý và các địa phương giám sát được kết quả, chất lượng đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.

● Trước đây, đào tạo cho LĐNT từng có giai đoạn gặp khó khăn, LĐNT không hào hứng tham gia học nghề do nghề không phù hợp. Vậy Sở đã khắc phục tình trạng này như thế nào?

- Thật ra, giai đoạn đầu khi mới xây dựng Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT do chưa có kinh nghiệm, dựa trên chỉ tiêu được phân bố, các địa phương đã thống kê và triển khai dạy tất cả các nghề chứ không sàng lọc và khảo sát nhu cầu thực tế LĐNT cần học gì và làm gì sau khi học. Vì thế, dẫn đến có một thời điểm cả xã có tớ hàng chục người học nghề làm móng tay nhưng không biết học xong sẽ làm ở đâu. Đây là hạn chế về mặt cơ chế chính sách trong đào tạo nghề cho LĐNT. Bởi một lớp khi mở tương đương với một nghề, nên buộc phải kiếm đủ người học. Giai đoạn đầu công tác đào tạo nghề còn hạn chế do chạy theo thành tích, số lượng nhằm hoàn thành chỉ tiêu. Công tác kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ dẫn tới học viên sau khi đăng ký không đi học và đăng ký để lấy tiền hỗ trợ… Tuy nhiên, sau những bất cập này thì đã có rất nhiều giải pháp điều chỉnh. Trong đó có yêu cầu bắt buộc là, khi muốn mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT thì phải xác định được đầu ra việc làm, nghĩa là phải tìm được DN nhận lao động sau khi học. Nếu người học nghề muốn kinh doanh tự do phải có cam kết về mặt bằng, về tự tạo việc làm mới được tham gia lớp học. Đồng thời, trên tinh thần kiểm tra giám sát chặt chẽ nếu ở cùng một địa phương năm trước và năm sau đều đăng ký mở cùng một nghề thì phải kiểm tra tỷ lệ người học theo đuổi nghề sau khi học; nếu tỷ lệ này cao thì mới tiếp tục mở lớp. Trong quá trình mở lớp cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất việc tổ chức dạy nghề. Hiện nay, các địa phương không còn bị ràng buộc chỉ tiêu mà dựa trên kết quả rà soát nhu cầu học nghề của từng địa phương, Sở LĐTBXH sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí đào tạo nghề.

● Theo xu hướng phát triển của tỉnh, từ nay đến 2020 sẽ dịch chuyển cơ cấu sản xuất nông nghiệp chủ yếu sang nông nghiệp chất lượng cao và các ngành nghề công nghiệp và công nghiệp phụ trợ gắn với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh. Sở có kế hoạch như thế nào để đáp ứng yêu cầu trên để LĐNT không phải ly hương và có cơ hội việc làm ngay tại địa phương?

- Tôi nghĩ, muốn làm việc những dự án cao cấp thì lao động phải học CĐ, TC nghề. Trong khi đó, đối tượng học nghề của Đề án Đào tạo nghề LĐNT lại đa dạng về độ tuổi, trình độ, có cả phụ nữ, người già. Vì vậy, tùy theo đối tượng mà có những chương trình đào tạo riêng. Hiện nay, để dịch chuyển trong đào tạo nghề nhằm tạo nguồn nhân lực, Sở LĐTBXH tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chính sách ưu tiên cho đối tượng LĐNT trong độ tuổi thanh niên chọn học nghề mà tỉnh đang cần. Theo chương trình này tỉnh sẽ tài trợ và lao động không phải đóng tiền. Ngoài chính sách này, Sở còn phối hợp với Ban quản lý các KCN, các sở, ban ngành và DN mới đầu tư tại tỉnh đề nghị cung cấp nhu cầu nhân lực. Qua đó hỗ trợ DN trong việc đào tạo hoặc hỗ trợ kênh tuyển dụng.

● Xin cảm ơn bà!

ĐÔNG TRÚC
(thực hiện)

Sau 7 năm triển khai (từ năm 2011) Đề án Đào tạo nghề LĐNT, toàn tỉnh đã có gần 22 ngàn LĐNT được đào tạo nghề. Trong đó, có 7,9 ngàn lao động được đào tạo nghề nông nghiệp và 13,8 ngàn lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2018 là có 2.653 LĐNT được học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Trong đó, 1.460 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp và 1.193 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp; ít nhất 80% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ sau khi học nghề nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

 

.
.
.