.
KỶ NIỆM NGÀY CÔNG TÁC XÃ HỘI VIỆT NAM (25-3):

Nhân rộng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội

Cập nhật: 17:36, 23/03/2018 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm ngày công tác xã hội (CTXH) Việt Nam (25-3), phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH về những kết quả đạt được trong công tác phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh thời gian qua. 

Trẻ khiếm thị được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Trẻ khiếm thị được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, việc triển khai thực hiện các đề án phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại những kết quả như thế nào? 

- Ông Trần Quốc Khánh: Đề án phát triển nghề CTXH được triển khai từ năm 2010 theo Quyết định 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 8 năm, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với 51 phòng, tổ CTXH, tổ tư vấn thuộc Sở Y tế, Sở GD-ĐT và Sở Tư pháp tổ chức tư vấn trực tiếp, đột xuất cho 286 trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người rối nhiễu tâm trí; tư vấn thường xuyên hoặc định kỳ cho hơn 30.000 lượt HS về phòng, chống bạo lực học đường, hướng dẫn cách phòng ngừa và bảo vệ xâm hại giới tính, các bệnh trầm cảm, hoảng loạn, căng thẳng liên quan đến học tập; vận động được 500 triệu đồng để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm CTXH, Sở LĐTBXH đã tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về CTXH cho hơn 500 lượt cán bộ, viên chức làm công tác bảo trợ xã hội ở các xã, phường, thị trấn, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các trường mở lớp đào tạo hệ trung cấp và đại học chuyên nghành về CTXH cho 176 cán bộ, viên chức đang công tác trong ngành; tạo điều kiện cho 7 cán bộ, viên chức học lớp cao học về CTXH…

● Việc mở rộng mạng lưới cộng tác viên (CTV) CTXH tại các xã, phường, thị trấn đã được triển khai như thế nào và còn gặp những khó khăn gì, thưa ông? 

- Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 cán bộ, nhân viên, CTV làm việc chuyên trách, bán chuyên trách trong lĩnh vực CTXH. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nghề CTXH. 

Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có hơn 24.800 đối tượng bảo trợ xã hội cần giúp đỡ. Với số lượng cán bộ, nhân viên, CTV CTXH nêu trên, rất khó để thực hiện tốt các nghiệp vụ hỗ trợ các đối tượng này. Chính vì vậy, ngày 29-5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1126/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng CTV CTXH ở các xã, phường, thị trấn. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn phải tuyển chọn 1 CTV. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương không tuyển được CTV, một số địa phương tuyển được thì CTV chỉ làm việc trong thời gian ngắn do mức phụ cấp thấp (khoảng 1,3 triệu đồng/tháng). Thực tế hiện nay, nhiệm vụ của nhân viên CTXH cấp xã vẫn do cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện giải quyết, đây cũng là bất cập chưa được tháo gỡ. 

● Theo ông, trong thời gian tới, cần làm gì để hoạt động trợ giúp xã hội tại BR-VT đạt chất lượng cao hơn?

- Trợ giúp xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, cần củng cố, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH thuộc các lĩnh vực LĐTBXH, y tế, giáo dục và tư pháp. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Trung tâm CTXH tỉnh, hệ thống mạng lưới CTV ngành LĐTBXH, y tế, giáo dục, tư pháp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nghề CTXH, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên CTXH đến các cấp, các ngành và toàn thể người dân biết để liên hệ khi có vấn đề cần trợ giúp; Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ làm CTXH cấp cơ sở. 

● Xin cảm ơn ông!

BÙI HƯƠNG
(thực hiện)

 
.
.
.