.

Định hướng cho HS sử dụng mạng xã hội lành mạnh, thiết thực

Cập nhật: 17:36, 23/03/2018 (GMT+7)

Đã hơn 10 ngày trôi qua mọi người còn xót xa xề sự ra đi của em  H.T.L., HS lớp 11C12, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Vụ việc đau lòng xảy ra vào đêm 10-3, người nhà không thấy nữ sinh L. về nhà nên lo lắng, gọi điện tìm kiếm khắp nơi nhưng không ai biết L. ở đâu. Đến sáng hôm sau, mọi người mới tá hỏa khi thấy thi thể của em nổi lên ở ao nước trước nhà. Trên bờ là đôi dép, điện thoại và lá thư tuyệt mệnh của L. để lại cho gia đình với nội dung “xin lỗi bố mẹ”. Nguyên nhân của vụ việc sau đó được xác định là do hình ảnh nhạy cảm của em và một bạn nam trong lớp trong giờ ra chơi bị phát tán, lan truyền trên mạng xã hội, sau đó được đăng tải trên một trang thông tin điện tử. Một lần nữa, mặt trái từ việc sử dụng mạng xã hội đã gây ra hệ lụy đau lòng. 

Với tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến với nhiều người, đặc biệt là trong giới trẻ. Chiếc điện thoại thông minh cũng không còn là vật dụng xa xỉ đối với nhiều HS do giá thành thấp và mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, việc HS ở các cấp học từ THCS đến THPT sử dụng mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến. Đáng nói, nhiều HS hiện nay chưa trang bị được cho mình những kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội phù hợp, khai thác những tính năng ưu việt mà nó mang lại. Trong khi đó, do tính tương tác cao, đã xuất hiện hội chứng “nghiện” mạng xã hội trong một bộ phận HS, khi ngày càng có nhiều em sẵn sàng “cắt xén” quỹ thời gian lẽ ra phải dành để học tập, rèn luyện cho không gian ảo này. Cũng từ đó, hệ quả tiêu cực từ việc lạm dụng mạng xã hội ngày càng bộc lộ rõ. Thời gian qua, không ít vụ ẩu đả gây thương tích, thậm chí dẫn tới tử vong bắt nguồn từ những bất đồng, bình phẩm, công kích lẫn nhau trên facebook. Vì muốn chứng tỏ bản thân trên thế giới ảo, một số tìm cách “ăn thua” với nhau ở ngoài đời thực. Có thể nhận thấy, tâm lý đám đông cùng với việc sử dụng, khai thác khả năng kết nối, chia sẻ trên mạng xã hội không phù hợp, thiếu lành mạnh đã dẫn tới những hành động nông nổi, đáng tiếc.

Trước những mặt trái gây ra từ việc HS lạm dụng mạng xã hội, đã có ý kiến đề xuất cần đưa vào bản nội quy các trường học quy định cấm HS sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quy định nêu trên nếu được áp dụng xem ra khó khả thi khi điện thoại đã trở thành phương tiện liên lạc thiết yếu, phổ biến. Mặt khác, nếu cấm ở trường, HS vẫn có thể sử dụng ở ngoài trường học. Do đó, thay vì cấm đoán, gia đình và nhà trường cần định hướng các em sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp. Ở trường học, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cần khéo léo lồng ghép những chỉ dẫn cần thiết về việc sử dụng mạng xã hội để không ảnh hưởng đến hoạt động học tập. Các tổ chức Đoàn – Đội có thể tổ chức các diễn đàn về văn hóa sử dụng mạng xã hội trong HS, giúp các em nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra đối với bản thân và những người xung quanh khi sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên trao đổi với con về cách sử dụng mạng xã hội theo hướng thiết thực, lành mạnh, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, nhất là trong việc bình luận, chia sẻ và phát tán thông tin, hình ảnh lên các trang mạng xã hội, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bùi Minh Tuấn

.
.
.