Phòng tránh ngộ độc rượu dịp Tết
Trong những năm vừa qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng đã có nhiều vụ ngộ độc và tử vong do rượu. Tết đến, Xuân về là dịp mọi người đoàn tụ, vui vẻ, sum vầy, và cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu tăng cao. Ngày Tết, uống một, hai ly nhỏ rượu, hay một vài lon bia chúc tụng nhau là khó tránh khỏi. Nhưng quan trọng nhất là tuyệt đối không uống “nhầm”... Methanol và đã uống rượu, bia là không lái xe.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh BR-VT lấy mẫu rượu tại một cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn xã Hòa Long, TP. Bà Rịa để xét nghiệm. |
Ngộ độc rượu thường thấy là do ngộ độc Methanol. Methanol là một chất độc, được coi như là một chất dung môi công nghiệp (cồn công nghiệp), thường dùng làm dung môi trong dung dịch lau kính xe, mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ. Methanol có đặc điểm không màu, không mùi, có vị tương đối ngọt hơn so với rượu thường (Ethanol) nhưng lại là loại hóa chất độc hại có thể gây tử vong. Methanol là một loại rượu thường được cất từ gỗ, là một chất rất dễ hòa tan trong nước, dễ bay hơi và dễ cháy. Trong quá trình lên men rượu nói chung cũng tạo ra một lượng Methanol và khi chưng cất Methanol sẽ ra đầu tiên. Theo tiêu chuẩn, các loại rượu chỉ được có dưới 0,1mg Methanol trong mỗi lít, nếu vượt quá giới hạn này sẽ trở thành một loại rượu cực độc.
Một số người vì hám lợi mà đánh mất lương tâm của người sản xuất, kinh doanh, dùng rượu Ethanol pha với cồn công nghiệp để có một loại rượu có độ cồn cao hơn nhưng lại có chi phí thấp hơn, và khi bán lại thu được nhiều lời hơn. Hậu quả của việc làm này là không thể lường hết được. Người tiêu dùng do thiếu hiểu biết hoặc do ham rẻ đã chọn loại rượu chứa chất độc hại Methanol làm thức uống cho mình và người thân, hậu quả là không ít trường hợp sau uống rượu phải nhập viện, thậm chí có trường hợp đã tử vong cả 2 bố con.
Các biểu hiện của ngộ độc rượu Methanol
Theo quy định, hàm lượng Methanol trong rượu chỉ khoảng 0,1%. Nghĩa là cứ 1.000ml rượu mới có 1ml Methanol. Liều lượng gây chết người của Methanol trong khoảng 30-240ml (20g -150g).
Nếu uống phải rượu có Methanol thì 12-24 giờ sau khi uống bắt đầu xuất hiện biểu hiện loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Sau đó người bệnh cảm thấy nhìn mờ, nhìn thấy hai hình hoặc có rối loạn cảm nhận về màu sắc, có khi không nhìn thấy gì… Biểu hiện nghiêm trọng xuất hiện sau đó là tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và ngưng tim, dẫn đến tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn hoặc bị di chứng thần kinh. Methanol khi vào cơ thể sẽ bị đào thải rất chậm và có khả năng tích lũy, nếu thường xuyên uống rượu có loại độc chất này.
Hay gặp nhất là sau khi uống rượu có Methanol từ 2 tới 4 giờ, bệnh nhân có biểu hiện như một người say rượu, sau đó dần lịm đi. Nếu không phát hiện kịp thời, người bị ngộ độc sẽ bắt đầu thở nông, thở nhanh, người tím tái, rơi vào hôn mê, co giật, tụt huyết áp và thậm chí ngưng tim, ngưng thở, gây tử vong.
Ngộ độc rượu Methanol là một loại ngộ độc rất nguy hiểm và có thể làm bệnh nhân chết rất nhanh chỉ trong vòng từ 6 tới 30 giờ, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì đa số cứ nghĩ rằng do say rượu, ngủ một giấc rồi sẽ tỉnh nên nhiều người đã bỏ qua thời gian cấp cứu để đưa nạn nhân đến bệnh viện và hậu quả là nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra.
Phòng ngừa ngộ độc rượu
Rượu, bia là thứ đồ uống có cồn, được khuyến cáo không nên sử dụng hoặc không nên lạm dụng, nghĩa là không nên uống nhiều, uống say, vì nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chưa kể là uống phải rượu độc Methanol. Mọi người nên cẩn trọng trong việc lựa chọn, sử dụng rượu. Không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác; rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm; rượu sản xuất ở các cơ sở không có giấy phép sản xuất, kinh doanh. Không tự mua thuốc Bắc, thuốc Nam, tự mua hay sưu tầm cây, con theo kinh nghiệm dân gian hay nghe mọi người truyền miệng nhau về ngâm rượu để uống. Tuyệt đối không uống quá độ, say xỉn. Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Những người sản xuất, kinh doanh, buôn bán rượu cần thực hiện nghiêm Luật an toàn thực phẩm, có trách nhiệm, lương tâm với cộng đồng, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà sử dụng cồn công nghiệp pha chế thành rượu bán cho người sử dụng.
Bs NGUYỄN VĂN LÊN