.

Chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Lo lắng đề thi sẽ quá rộng và khó

Cập nhật: 19:13, 06/02/2018 (GMT+7)

Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo duy nhất của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Đề thi tham khảo năm nay khiến GV, HS bất ngờ và lo lắng vì phạm vi kiến thức rộng và khó.

HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trao đổi đề thi sau buổi thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức.  
HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trao đổi đề thi sau buổi thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức.

ĐỀ THI PHÂN HÓA MẠNH

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, các trường THPT đã tiến hành họp tổ bộ môn để đánh giá và phân tích đề thi. Các GV bộ môn đều cho rằng, nếu đề thi chính thức cũng tương tự nội dung đề tham khảo thì rất khó, lượng kiến thức rộng. 

Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng, GV bộ môn Toán, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) cho biết: Đối chiếu với đề thi Toán chính thức năm 2017, nội dung của đề tham khảo năm nay khó. Riêng 8 câu cuối, thầy Lâm đánh giá là những câu “gai góc” phục vụ cho việc xét tuyển ĐH. “Với độ phân hóa cao như thế này, những HS giỏi cũng phải cần thêm 15-20 phút mới có thể giải đề một cách trọn vẹn và chỉ có HS xuất sắc mới có thể đạt trên 9 điểm”, thầy Lâm nhận định. Tương tự môn Toán, đề thi tham khảo môn Văn cũng khiến GV băn khoăn vì hướng ra đề có nhiều thay đổi so với năm trước. Theo cô Mai Hương, GV Ngữ Văn, Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), điểm nhấn của đề thi tham khảo môn Văn là phần làm văn (5 điểm) bao hàm cả kiến thức lớp 11 và 12. Đề bài có nhiều điểm tương đồng với đề xét tuyển ĐH thời điểm chưa tổ chức thi 2 trong 1.

HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) sau buổi thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: Khánh Chi.  Ảnh: KHÁNH CHI
HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) sau buổi thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức.

Ở bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, đề thi GDCD cũng có sự phân hóa mạnh. Thầy Nguyễn Nghĩa Cường, GV bộ môn GDCD, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Bà Rịa) đánh giá, đề thi tham khảo năm nay khó hơn tất cả đề minh họa, tham khảo và chính thức của năm học trước. Tương tự, với đề thi môn Hóa (tổ hợp Khoa học tự nhiên), có nhiều câu gắn với thực tế, thực hành thí nghiệm, chỉ HS thực sự xuất sắc mới có thể đạt điểm tuyệt đối.

HS, GV LO LẮNG

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, nhiều GV, HS bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng. Em Phạm Ngọc Quang (HS lớp 12A6, Trường THPT Vũng Tàu) chia sẻ: “Em khá bất ngờ và lo lắng vì đề tham khảo tương đối khó, kiến thức rộng hơn năm trước rất nhiều. Nhất là môn Toán, có một số dạng bài mới. Nếu đề chính thức như thế này thì cùng lắm em chỉ đạt được khoảng 7 điểm Toán”. Để thích ứng với hướng ra đề năm nay, Quang cho biết, em sẽ học và ôn tập thêm kiến thức lớp 11.

Không chỉ HS, lo lắng cũng là tâm trạng chung của một số GV bộ môn. Theo cô Mai Hương, GV Ngữ văn, Trường THPT Vũng Tàu , trước đây, khi 2 kỳ thi xét tốt nghiệp và ĐH tổ chức riêng, việc ôn tập cho HS khối C, D những dạng bài nặng như trong đề thi tham khảo là rất phổ biến. Tuy nhiên, mấy năm nay, dạng đề này ít xuất hiện. Với dạng đề này, GV bộ môn phải đầu tư nhiều thời gian để liên kết các tác phẩm thuộc chương trình của lớp 11, trong khi thời lượng học chính khóa và phụ đạo môn Văn quá ít (chỉ 4-5 tiết/tuần). 

Một tiết học của HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).
Một tiết học của HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu). 

Trong khi đó, thầy Nguyễn Nghĩa Cường, GV bộ môn GDCD, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm lại băn khoăn khi tỷ lệ kiến thức lớp 11 và 12 trong đề thi là 30-70% nhưng không được “khoanh vùng” nên HS phải ôn tập toàn bộ chương trình của cả 2 khối. Theo thầy Cường, các em HS cần ôn kỹ chương trình lớp 12, nắm chắc chương trình 11 mới có thể đạt kết quả cao.

Trước xu hướng tăng độ khó của đề tham khảo THPT Quốc gia, các nhà trường cũng đã khẩn trương đề ra định hướng ôn tập. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Châu Thành cho hay, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, nhà trường đã tổ chức họp các tổ bộ môn để đánh giá, phân tích đề thi, đồng thời photo đề thi cho HS thử sức và hướng dẫn các em giải đề. Bám sát đề thi tham khảo, tổ bộ môn và GV bộ môn đã có định hướng trong giảng dạy, ôn tập và xây dựng bộ đề thi cho HS rèn luyện. Nhà trường xác định, trước hết, cần ôn kỹ kiến thức cơ bản ở hai khối 11, 12 cho các em, đồng thời phân loại HS để giảng dạy kiến thức nâng cao nhằm chinh phục điểm khá, giỏi. Thầy Lâm cho biết thêm, đến thời điểm này, toàn trường có 64 HS chọn bài thi KHXH và 330 HS chọn bài KHTN. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã căn cứ nguyện vọng HS để chia lớp và cho các em học phụ đạo 4 tiết/tuần với những môn xét tuyển ĐH. Còn theo thầy Nguyễn Thế Hợi, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Vũng Tàu, nhà trường đã chỉ đạo tổ bộ môn xây dựng giáo án chung của từng môn cho tất cả các lớp theo hướng bám sát đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Ngoài ra, một số lớp mũi nhọn sẽ có thêm phần kiến thức nâng cao. Hiện nay, nhà trường đang cho HS ôn tập theo các chuyên đề của chương trình lớp 12. Đến cuối tháng 2, các lớp sẽ ôn tập song song với chương trình lớp 11. 

Sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo, từ ngày 5 đến 7-2, Sở GD-ĐT tổ chức cho HS khối 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh thi thử THPT Quốc gia lần 1 với lịch thi như kỳ thi chính thức để HS và GV rèn luyện, rút kinh nghiệm.
Theo chỉ đạo về việc tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của HS, nghiêm cấm việc cắt xén chương trình; nội dung ôn thi THPT Quốc gia là chương trình lớp 11 và 12, trong đó chương trình lớp 12 là chủ yếu; các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe HS.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.