.

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Cập nhật: 10:05, 19/01/2018 (GMT+7)

“Thoát sinh ra thì đà khóc chóe/Trần có vui sao chẳng cười khì?” Nguyễn Công Trứ - ông thi sĩ “chịu chơi” nhất trong các bậc túc nho giữa cuối thế kỷ XIX đã nói đúng quá. Cứ nghĩ lại mà xem, lúc nhàn rỗi ngồi bấm đốt ngón tay nhẩm lại năm tháng đã đi qua, hầu như ai cũng cảm thấy buồn nhiều hơn vui. 

Những cay đắng, những âu lo, những nghi ngại hằn vết sâu trong tâm tưởng nhiều hơn niềm vui, tiếng cười. Nghĩ xong, ta tặc lưỡi não nùng với câu nói xưa như trái đất: “Đời là bể khổ”! 

Đôi khi, cứ tưởng rằng để trưởng thành, con người ta chỉ cần “học ăn, học nói, học gói, học mở…” là đủ. Nhưng than ôi, không hẳn thế, chúng ta còn phải tập cười nữa. Nói gì nghe lạ quá, bởi cười là một trạng thái của con người, chỉ con người mới biết. Vui, dễ cười; buồn, khó cười là lẽ tự nhiên của tâm sinh lý, hà cớ gì phải tập cười? Nói thế có đúng không? Vâng, không sai chút nào. 

Tuy nhiên, tập cười không phải mỗi ngày đứng trước gương như thí sinh sắp dự thi hoa hậu toàn cầu phải tập nhoẻn nụ cười thật mê ly, đắm đuối. Lúc ấy, cười lên, nhếch mép lên cười, nhìn rõ vào trong gương và tự điều chỉnh, đại khái, nụ cười chưa đẹp lắm, chưa tươi lắm mà dường như hơi có nếp nhăn nơi khóe miệng, dường như ánh mắt chưa long lánh như nàng công chúa ngủ trong rừng v.v… và v.v… Tóm lại, nụ cười ấy chưa “hồn nhiên như cô tiên”, cần phải “chỉnh sửa” lại hoặc phải tập qua kiểu cười khác! 

Thử hỏi, đó có phải là cười? 

Tôi quyết rằng, không. 

Ý nghĩa đích thực của nụ cười, tiếng cười là phải xuất phát tự lòng mình, tự sâu thẳm linh hồn đang sống trong tâm trạng muốn cười. Thế nhưng, lúc ta chưa muốn cười thì sao? Chẳng lẽ, phải “nặn” ra nụ cười à? Vậy làm sao để lúc nào cũng cười được? Thưa, muốn như thế, phải tập. Có những lúc nhìn vào mắt nhau, trong lòng bực bội quá, đang cáu gắt muốn quát lên một câu cho nhẹ lòng nhưng có người lại cười. Nhờ thế, mối quan hệ đôi bên dần dà chuyển qua một gam màu khác, tươi sáng hơn. Khi Chí Phèo vác dao đến nhà Bá Kiến muốn rạch mặt ăn vạ, dù muốn đằng đằng sát khí cho bõ tức, nhưng không, Bá Kiến vẫn nhẹ nhàng cười. Thế là bao nhiêu hậm hực, “khí phách” của kẻ “bán trời không mời thiên lôi” xẹp lép như bong bóng xì hơi. 

Một nụ cười kịp thời đã hóa giải được bao nhiêu chuyện “gay cấn” có thể sấm vang chớp giật sẽ xẩy ra trong tích tắc. Lúc ấy, những tưởng đôi bên có thể nhảy vào ăn tươi nuốt sống, nhưng rồi, khi nhìn thấy nụ cười trên môi “đối phương”, lòng lại dịu xuống. 

Các bác sĩ là người đủ thẩm quyền và kiến thức phân tích ích lợi của nụ cười, đại loại, có tác dụng tốt cho trí não, tim mạch, cung cấp oxy cho cơ thể, giải phóng suy nghĩ tiêu cực, giảm đau… Nhà văn Nam Cao thì cho rằng: “Khi người ta cáu, mặt người ta co rúm lại. Cổ người ta bị tắc. Máu tiết ra chất độc, có hại cho sức khỏe ghê lắm đấy! Nhưng nếu ngay lúc ấy người ta cố mỉm cười một cái thì mọi sự tiêu tan hết. Mặt tươi ra. Có thoang thoáng chất độc trong người theo hơi thở thoát ra ngoài hết. Người trẻ lại. Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lượng huyết và bổ tâm, bổ phế, bổ tì, bổ vị, bổ can, bổ thận, chẳng cái gì không bổ. Tiên dược đấy. Nó cải lão hoàn đồng rất mạnh”. 

Từ góc độ tâm lý, chúng ta đừng tìm đâu xa, cứ đọc lại ca dao sẽ thấy sự khôn khéo của ông bà ta. Ngày nọ, anh chồng đùng đùng nổi giận, quát tháo ầm ĩ thì cô vợ vẫn nhẹ nhàng, không “tay đôi” hơn thua “một mất một còn”: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười chúm chím: Thưa anh giận gì?/Thưa anh, anh giận em chi/Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho”. Nhìn “miệng cười chúm chím”, lạ thay bao nhiêu nỗi bực bội trong lòng tiêu tan hết, cứ như u ám tan dần khi ánh nắng quang đãng đang rọi tới! 

Mỗi người hãy nên tập cười bằng cách thay đổi cái nhìn về thế giới xung quanh theo hướng tích cực hơn. Ảnh minh họa: Internet
Mỗi người hãy nên tập cười bằng cách thay đổi cái nhìn về thế giới xung quanh theo hướng tích cực hơn. Ảnh minh họa: Internet

Vậy, để hằng ngày có được nụ cười, chúng ta phải làm sao? Hãy tập cười. Tập như thế nào? Hãy hỏi tự lòng mình. Chuyện kể rằng, ngày nọ,  người đàn ông có bộ mặt rầu rĩ như đưa đám bước vào phòng khám của bác sĩ: “Thưa ngài, tôi không thể cười được. Xin chữa trị giúp tôi”. Sau khi chẩn đoán, dò hỏi tâm lý… bác sĩ kết luận: “Anh nên tìm xem các tiết mục biểu diễn của danh hài X., chắc chắc anh sẽ bật cười khoái trá”. Người đàn ông rầu rĩ: “Danh hài X., là chính tôi đây”.

Lòng yên vui ắt có tiếng cười. Lòng an tịnh, khoan dung ắt trên môi nụ cười tìm đến. Tôi không tin một người sống trong tâm trạng u uất, trầm cảm, nhìn đâu cũng thấy sự bi quan, đáng ghét lại có thể cười. Muốn cười được, trước hết phải tự mình quét sạch đám mây mù đang cuồn cuộn trong lòng. Nghe có vẻ dễ dàng quá nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Có những lúc thay vì cười, họ lại quên béng đi mà chìa ra cái bộ mặt đưa đám, cau có nên lời lẽ chì chiết cứ thế tuôn ra….

Vậy thế nào là cười? Ai cũng có câu trả lời, tùy quan niệm mỗi người. Với tôi, dù quan niệm thế nào thì phải tập cười, nghĩa là tập thay đổi cái nhìn về thế giới xung quanh theo hướng tích cực hơn; tập tìm lấy sự tích cực trong sự hỗn độn va chạm của mỗi ngày để có thể nở cười lạc quan và yêu lấy cuộc đời. 

LÊ MINH QUỐC

.
.
.