.
BẠN ĐỌC VIẾT:

Xử lý người đi bộ sai luật

Cập nhật: 19:10, 18/01/2018 (GMT+7)

Buổi trưa thứ Bảy, tôi dừng xe chờ đèn đỏ tại ngã tư Bacu - Lê Lai (TP.Vũng Tàu). Khi đèn tín hiệu giao thông màu xanh, tôi chuẩn bị cho xe tiếp tục lưu thông thì bất ngờ gặp 2 người đi bộ băng sang đường ngay trước mũi xe, bất chấp nguy hiểm.

Học sinh Trường THCS Châu Thành (phường 1, TP.Vũng Tàu) đi sang đường theo vạch kẻ dành cho người đi bộ.
Học sinh Trường THCS Châu Thành (phường 1, TP.Vũng Tàu) đi sang đường theo vạch kẻ dành cho người đi bộ.

Tình trạng người đi bộ sang đường không đúng luật ở nước ta hiện nay vẫn được coi là “chuyện nhỏ”, xảy ra phổ biến nhiều nơi. Lâu nay, có một nghịch lý là chỉ có người điều khiển phương tiện là có lỗi, còn người đi bộ thì tuyệt nhiên không, mặc dù nguyên nhân dẫn tới tai nạn trong một số vụ là do lỗi ở người đi bộ, khiến các phương tiện phải né tránh người đi bộ mà dẫn tới gây ra va chạm với phương tiện khác.

Trước đây, theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì hành vi “Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn” của người đi bộ chỉ bị xử phạt tiền từ 60 đến 80 ngàn đồng.

Nhưng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (đã có hiệu lực từ 1-1-2018) thì “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn được mở rộng ra đối với tất cả mọi đối tượng tham gia giao thông. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Tất nhiên, vẫn còn khá nhiều băn khoăn khi thực thi quy định mới nêu trên, khi mà hạ tầng giao thông ở nước ta chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường xe cộ đông đúc nhưng không có cầu vượt cho người đi bộ qua đường; Nhiều nơi vỉa hè bị lấn chiếm hết buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường; Nhiều tuyến đường không có vạch kẻ cho người đi bộ qua đường, hoặc có vạch kẻ nhưng ô tô, xe máy cứ phóng ào ào, không chịu nhường đường cho người đi bộ… Do vậy, khi xử lý người đi bộ tham gia giao thông sai luật, cơ quan chức năng cần xem xét nhiều mặt để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn đến nhiều đối tượng trong xã hội, nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông, trong đó có lỗi do người đi bộ sai luật gây nên.

ĐẶNG ĐỨC
(phường 1, TP.Vũng Tàu)

.
.
.