.

Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số

Cập nhật: 19:12, 18/01/2018 (GMT+7)

Một bé gái từng là HS giỏi trong suốt 11 năm liền, là niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè. Bỗng dưng một ngày, em có biểu hiện lạ, xa lánh người thân, học hành sa sút và chỉ giam mình trong phòng kín, dành hầu như toàn bộ thời gian để “dán” mắt vào màn hình điện thoại. Bố mẹ buộc phải cách ly em khỏi trường lớp, cộng đồng để điều trị bệnh nghiện Internet cho em tại bệnh viện tâm thần. 

Một bé gái khác, còn rất nhỏ, bị liệt, không quần áo, bò lê lết trong giá lạnh ở Mường Lát, Thanh Hóa đã được một gia đình trẻ tại TP.Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi, tạo cơ hội có tương lai tốt đẹp hơn cho em. Điều đáng nói, bé gái trên đã gặp cơ may nhờ vào mạng xã hội, khi câu chuyện, hình ảnh của em được lan tỏa. 

Công nghệ số trên thực tế, đã “lấy đi” tương lai của một số trẻ, nhưng cũng lại tạo ra cơ hội cho những trẻ em khác. Quan trọng vẫn là cách chúng ta quản lý, bảo vệ trẻ em trong môi trường công nghệ số. Cần cung cấp đầy đủ kỹ năng, kiến thức cho trẻ để các em tận dụng lợi ích của công nghệ số trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Cần có chế tài đủ mạnh và các giải pháp công nghệ để ngăn chặn những trục lợi từ Internet, phát sinh tội phạm từ công nghệ số. 

Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo về tình hình trẻ em thế giới 2017, ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng khẳng định, nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau, đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn, khó tiếp cận.

Theo UNICEF, hiện nay, cứ 3 người sử dụng Internet thì có 1 người là trẻ em. Thế nhưng, hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít. Bởi các giải pháp, chính sách đã không theo kịp tốc độ thay đổi, khiến trẻ em phải đối mặt những rủi ro và nguy hại mới và khiến hàng triệu trẻ em yếu thế bị bỏ lại phía sau. Vẫn còn hơn 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới chưa được tiếp cận Internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.

Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng Internet mà là bảo vệ sự an toàn của các em. Muốn làm được điều đó, chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như gia đình, nhà trường và cả cộng đồng xã hội phải cùng hành động, có giải pháp để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ; để trẻ sử dụng Internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo của các em. Quan trọng nhất là lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách về công nghệ số. Việc hoạch định chính sách cần tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại trực tuyến như lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em... 

Công nghệ số thực sự không “xấu” đối với trẻ em, vì vậy, không nhất thiết phải “đóng chặt” cánh cửa này đối với trẻ, để các em đều được tận hưởng lợi ích thành quả khoa học đặc biệt này của nhân loại. 

THẢO LINH

.
.
.