Khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm
Năm 2017, tại BR-VT, hầu hết các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lan thành dịch đều đã được khống chế hiệu quả, kể cả những dịch bệnh mới như cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV. Xác định trong thời gian tới, diễn biến của các loại dịch bệnh sẽ phức tạp, do đó, ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, phủ rộng đến từng địa bàn dân cư.
NHIỀU DỊCH BỆNH ĐƯỢC NGĂN CHẶN, KHỐNG CHẾ
Cách đây 2 năm, cả nước bùng phát dịch sởi. Thống kê của Bộ Y tế về dịch sởi vào năm 2014, cả nước có gần 6.000 ca, trong đó 147 trường hợp tử vong. Thời điểm đó, nhờ chủ động phòng chống dịch, đặc biệt là làm tốt công tác tiêm chủng, BR-VT khống chế thành công bệnh sởi. Và từ năm 2016 đến nay, BR-VT đã không còn ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh sởi.
Tiêm ngừa sởi-rubella cho trẻ tại Trường THCS Trần Phú (TP.Vũng Tàu). |
Thời gian qua, các dịch bệnh vốn đã được khống chế như Bạch Hầu, Ho Gà cũng đã trỗi dậy tại nhiều tỉnh, thành, nhưng ngành y tế BR-VT đã dự báo chính xác, triển khai hiệu quả các giải pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh tái diễn. Các bệnh như sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả được khống chế hiệu quả. Đặc biệt, đến nay, BR-VT vẫn duy trì được thành quả loại trừ bệnh phong. Ngoài ra, dù không còn nhận được sự hỗ trợ của các dự án quốc tế, nhưng chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn duy trì hiệu quả; tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 92% trên tổng số người nhiễm HIV.
Các bệnh dịch nguy hiểm mới trên phạm vi toàn cầu như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV... đã được ngăn chặn và khống chế, góp phần giữ vững môi trường “sạch” về dịch bệnh, tạo điều kiện cho du lịch, thương mại, giao lưu văn hóa phát triển.
Bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, các dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả là nhờ huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác phòng chống; mạng lưới phòng chống dịch bệnh bao phủ đến tận các thôn, ấp; các chương trình tiêm chủng được triển khai đầy đủ. Riêng năm 2017, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đạt 98%. BR-VT cũng đã ứng dụng hiệu quả phần mềm tiêm chủng quốc gia tại tất cả các điểm tiêm chủng, nhờ đó, đối tượng tiêm chủng được quản lý chặt chẽ, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Tiêm ngừa cho trẻ tại Trạm Y tế phường 4 (TP.Vũng Tàu). |
Thành quả trong công tác phòng chống dịch bệnh còn nhờ sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương. Tại các huyện, thành phố, công tác phòng chống dịch luôn được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của năm. Chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác được triển khai sâu rộng, đến từng hộ dân, đặc biệt là hướng trọng tâm vào trường học, các điểm công cộng...
Nhân viên y tế khảo sát mật độ lăng quăng truyền bệnh sốt xuất huyết tại các hố ga trên địa bàn tỉnh. |
NÊU CAO TINH THẦN CHỦ ĐỘNG, CẢNH GIÁC
Mặc dù đã đạt được một số thành quả nhất định, song công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng mặc dù tỷ lệ mắc có giảm qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cùng sự xuất hiện và nguy cơ lây lan của virus Zika, các bệnh lây lan qua gia súc gia cầm như cúm A, liên cầu lợn… vẫn còn đáng lo ngại.
Trước khó khăn, thách thức nêu trên, công tác dự phòng, phòng chống dịch năm 2018 tập trung vào các nhiệm vụ sau: Nâng cấp và củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, các điểm giám sát cố định bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh từ xã đến tỉnh, cả cơ sở công lập và tư nhân; Tăng cường giám sát dịch tễ thường xuyên tại cộng đồng, giám sát các ổ dịch cũ, vùng có yếu tố nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định để phát hiện sớm nguy cơ dịch và các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng; Củng cố mạng lưới cộng tác viên tại khu phố, thôn, ấp để làm nòng cốt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa bàn dân cư; Tổ chức tuyên truyền phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường xuyên trên hệ thống thông tin đại chúng; Tổ chức các chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào các ngày chuyên đề và chiến dịch trong năm, đặc biệt tăng cường khi có tình huống dịch xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu, công tác điều trị để kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh nhân; tổ chức việc phân tuyến, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc các dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Ngành y tế cũng quan tâm thành lập các đội cấp cứu lưu động, bố trí cán bộ chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho y tế tuyến dưới nhằm ứng phó kịp thời trước các tình huống cấp bách về dịch bệnh.
Bài, ảnh: MINH THIÊN