.

Không cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10: Dự thảo gây băn khoăn

Cập nhật: 19:11, 21/01/2018 (GMT+7)

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, nội dung bỏ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong Dự thảo đang tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. 

GIẢM CÁC CUỘC THI KHÔNG CẦN THIẾT

Tại BR-VT, những năm gần đây, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, HS dự thi 3 môn: Văn, Toán, tiếng Anh. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi được tính theo hệ số (Văn và Toán hệ số 2, tiếng Anh hệ số 1), cộng thêm điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) nhưng không quá 5 điểm. Riêng điểm khuyến khích, HS đoạt giải trong các bộ môn văn hóa cấp tỉnh; giải cá nhân hoặc đồng đội trong các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành tổ chức ở bậc THCS từ cấp tỉnh trở lên (thi vẽ, viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay…) được cộng từ 1-2 điểm. Ngoài ra, HS có chứng chỉ nghề phổ thông do Sở GD-ĐT cấp cũng được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm. 

Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD-ĐT bỏ quy định cộng điểm khuyến khích tuyển sinh THPT. Nếu nội dung này được thông qua, HS sẽ không được cộng điểm khuyến khích vào kỳ tuyển sinh lớp 10. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, việc không cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 nhằm cụ thể hóa chủ trương giảm các cuộc thi không cần thiết, khắc phục hiện tượng “làm đẹp hồ sơ”, tổ chức thi chứng chỉ nghề một cách hình thức. Ông Thành cho biết thêm, dù không cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10, nhưng kết quả thi nghề của HS THCS vẫn được sử dụng làm điểm khuyến khích trong xét tốt nghiệp THCS.

GIÁO VIÊN ĐỒNG THUẬN

 Nhiều nhà quản lý giáo dục và GV tỏ ý kiến đồng tình với chủ trương trên và cho rằng nếu được thông qua, quy định này sẽ khắc phục được những hạn chế của các cuộc thi, cũng như việc học nghề ở bậc học phổ thông. Ông Võ Tuất Hinh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tân Thành cho rằng, hiện nay, một số cuộc thi vốn là những sân chơi lành mạnh nhưng đang bị biến tướng. Nhiều nơi, nhà trường thành lập đội tuyển, ôn tập ráo riết, phụ huynh cho con em luyện thi theo kiểu luyện “gà nòi” để đạt thành tích cao và đặc biệt là giúp các em được cộng điểm trong tuyển sinh đầu cấp. Điều này làm gia tăng áp lực cho HS cũng như các trường THCS. “Các cuộc thi, sân chơi chỉ giữ nguyên giá trị của nó khi HS tham gia một cách tự nguyện, bằng niềm đam mê và khả năng thực sự chứ không vì thành tích như hiện nay”, ông Hinh nhận định.

Về việc bãi bỏ điểm cộng đối với chứng chỉ nghề phổ thông, ông Nguyễn Tấn Hậu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho rằng đây là việc nên làm, vì hầu hết HS hiện nay đều đăng ký học những nghề dễ đạt điểm cao, chủ yếu để có điểm cộng khi thi vào lớp 10. Điều này không đúng với chủ trương dạy nghề để góp phần hướng nghiệp cho HS. Một dẫn chứng cho nhận định trên là tại kỳ thi nghề phổ thông cấp THCS diễn ra vào tháng 10-2017, hầu hết HS khối lớp 9 trên địa bàn tỉnh đều tham gia, với 15.714 HS. Kết quả, có tới 99,7% HS đạt yêu cầu, trong đó số HS đạt loại giỏi (được cộng tối đa 1,5 điểm) lên tới 79,4%. Số lượng nghề HS được học cũng rất ít, phổ biến là Tin học, Điện, Dinh dưỡng nên khó có thể đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp cho HS. Bên cạnh đó, tại một số trường THCS, HS không được tự do chọn nghề phổ thông mà do nhà trường tự sắp xếp; cũng có trường, HS đồng loạt chọn 1 nghề để dễ học và dễ đậu (phổ biến nhất vẫn là nghề Tin học). 

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Dương Minh Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Long Tân (huyện Đất Đỏ) phân tích: Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, chỉ cần 0,25 điểm cũng đã quyết định HS đậu hay rớt. Trong khi đó, việc học nghề phổ thông không mấy khó khăn lại được cộng tối đa tới 1,5 điểm nên gần như 100% HS đăng ký học. Chẳng hạn, năm học 2017-2018, Trường THCS Long Tân có 82 HS lớp 9. Ngoài 5 HS quyết định nộp hồ sơ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 77 em còn lại đều đăng ký học nghề là môn Tin học. Sau kỳ thi, 100% HS được cấp chứng chỉ, với 66 em loại giỏi, 11 em loại khá.

BĂN KHOĂN VỀ THỜI GIAN ÁP DỤNG 

Em Hoàng Bảo Nguyên, HS lớp 9A7, Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Em học nghề phổ thông để được cộng điểm tuyển sinh vào lớp 10. Trong kỳ thi nghề vừa qua, em đạt loại giỏi và sẽ được cộng 1,5 điểm. Thông tin Bộ GD-ĐT dự định bỏ điểm cộng khuyến khích khiến tụi em rất lo lắng và tiếc, bởi đã dành khá nhiều thời gian (từ hè tới tháng 10) cũng như công sức cho việc học nghề. Bảo Nguyên khẳng định: “Nếu biết trước không được cộng điểm khuyến khích thì em sẽ không đăng ký học nghề mà chỉ tập trung học 3 môn chính để thi vào lớp 10”. 

Theo thầy Dương Minh Thông, nếu quy định trên được áp dụng ngay trong năm học này, nhiều HS sẽ phải chịu thiệt thòi vì các em đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư cho học nghề phổ thông. “Tôi đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT nhưng cần có lộ trình phù hợp và chỉ nên bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020 để bảo đảm quyền lợi cho HS”, thầy Thông nói. 

Nhiều HS tỏ ra khá thất vọng trước thông tin bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10.  Trong ảnh: Một tiết học nghề Điện ở Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu). Ảnh: KHÁNH CHI
Nhiều HS tỏ ra khá thất vọng trước thông tin bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10.
Trong ảnh: Một tiết học nghề Điện ở Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).

Nhìn nhận dưới góc độ lợi ích của học nghề và môi trường phát triển toàn diện của HS, thầy Nguyễn Văn Du, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) cho rằng, việc không tính điểm khuyến khích sẽ làm cho HS không còn mặn mà với các cuộc thi, cũng không thích học nghề phổ thông. Vì vậy, ngành giáo dục cần có sự điều chỉnh, nên thay đổi hình thức khen thưởng để tiếp tục động viên HS tham gia học nghề và các cuộc thi năng khiếu khác. 

Bỏ điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 là vấn đề được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của HS cũng như việc tổ chức các cuộc thi và dạy nghề phổ thông ở địa phương. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Dự thảo của Bộ GD-ĐT khiến các thầy cô giáo cũng như phụ huynh, HS băn khoăn. Tuy nhiên, chủ trương này còn đang lấy ý kiến nên Sở GD-ĐT vẫn phải chờ quyết định cuối cùng mới có thể triển khai và xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2018-2019. 

Theo kế hoạch, Dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và lấy ý kiến đến hết ngày 18-2. Sau thời hạn trên, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện Dự thảo Thông tư trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành chính thức. Mọi người dân có thể tham gia góp ý kiến trực tiếp cho Dự thảo tại Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.