.

Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm

Cập nhật: 19:11, 21/01/2018 (GMT+7)

Bằng ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều bạn trẻ đã biến những vùng đất cằn cỗi trở nên màu mỡ, cho giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tại địa phương.

Gần 12 giờ trưa, anh Võ Thanh Tân (SN 1985, ở ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) vẫn mải mê chăm sóc vườn quýt sắp đến kỳ thu hoạch. “Đây là năm thứ 6 cây quýt cho thu hoạch với năng suất cao và chất lượng vượt trội nên ngoài 3 lao động chính, tôi phải thuê gần 20 lao động thời vụ chăm sóc để bảo đảm năng suất cho tới lúc chín rộ”, anh Tân cho biết. 

Quãng thời gian trước năm 2009, gần 2 mẫu đất trồng tiêu của gia đình anh thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, anh Tân mạnh dạn chặt bỏ hơn 1 mẫu tiêu và vay 30 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Xuyên Mộc để trồng quýt. Để biến vùng đất đồi khô cằn trở nên màu mỡ, anh Tân cho san ủi mặt bằng, bón phân hữu cơ, phân vi sinh, NPK, vỏ trấu, đồng thời chú trọng chọn giống, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi trồng quýt… Sau 2 năm, vườn quýt của anh Tân ra trái trĩu cành, trái nào cũng căng mọng và ngọt nước, được thương lái đến thu mua tận vườn. Thành công bước đầu đã giúp anh Tân có động lực mở rộng vườn lên 2 mẫu và trồng thêm cam, chanh. Đến nay, mô hình kinh tế của anh Tân cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 ĐVTN với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và 12 lao động thời vụ với thu nhập 200 ngàn đồng/người/ngày. 

Anh Trần Quốc Bảo (SN 1985 ở ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) được gia đình cho 6 sào đất vườn và 7 sào ruộng để lập nghiệp. Thế nhưng, đất đai cằn cỗi, lại nhiễm phèn nặng nên thời gian đầu, anh Bảo gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, anh Bảo tự hỏi: Cùng điều kiện đất nhiễm phèn như ở quê mình, nhưng ở đây họ làm nông nghiệp tốt, vậy sao mình không làm được. Năm 2008, anh cũng tìm ra được hướng đi cho riêng mình. Anh vay 25 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện và nhờ các chuyên gia nông nghiệp tư vấn cải tạo 6 sào đất, trồng 400 gốc mãng cầu ta. Sau 2 năm, vườn mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng đạt trên 5 tấn/vụ. Trừ chi phí, anh Bảo thu lãi gần 70 triệu đồng/năm. Năm 2010, anh Bảo tiếp tục cải tạo 7 sào ruộng để trồng dừa. Hiện nay, mỗi tháng vườn dừa của anh Bảo cho thu hoạch 1.000 trái. Với giá bán sỉ từ 60 ngàn đồng/chục, vườn dừa cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. 

Tại ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, anh Nguyễn Chu Toàn (SN 1989) được nhiều người biết đến là người năng động, sáng tạo trong lao động. Năm 2010, khi “cơn sốt” thanh long ruột đỏ bùng phát, anh Toàn quyết định chặt bỏ gần 1ha điều để trồng 700 trụ thanh long ruột đỏ. Trước khi trồng 10 ngày, anh Toàn trộn phân hữu cơ vào đất nhằm tăng chất dinh dưỡng. Trong thời gian cây sinh trưởng, anh tưới nước 2 lần/ngày để giữ độ ẩm, tỉa bỏ các cành có dấu hiệu sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán để bảo đảm cho sự phát triển của cây. Nhờ cách làm bài bản, đúng kỹ thuật, sau 2 năm, vườn thanh long của gia đình anh Toàn đã cho trái, trong đó nhiều trái có trọng lượng từ 0,5 đến 0,8kg, ngọt và đẹp, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, vườn thanh long này mang lại cho anh thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. 

Anh Nguyễn Chu Toàn (phải) hướng dẫn cách phát hiện bệnh dịch trên cây thanh long cho ĐVTN xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc).
Anh Nguyễn Chu Toàn (phải) hướng dẫn cách phát hiện bệnh dịch trên cây thanh long cho ĐVTN xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc).

Theo anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, qua khảo sát của Tỉnh Đoàn, đến nay, đã có 167 mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 500 ĐVTN tại địa phương. “Sự năng động, sáng tạo của nhiều ĐVTN trong phát triển kinh tế đã giúp họ có cuộc sống ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho ĐVTN địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn”, anh Triết nhận xét. 

Tuy vậy, vẫn còn một số ĐVTN gặp khó khăn trong việc định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế do thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, còn e ngại trong việc mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các giống cây cho giá trị kinh tế cao… “Để khuyến khích ĐVTN nỗ lực vươn lên làm giàu bằng các mô hình hiệu quả, Tỉnh Đoàn sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức về xây dựng và phát triển kinh tế; tuyên truyền cho ĐVTN nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, giảm nghèo; đồng thời vận động các ĐVTN có mô hình kinh tế hiệu quả chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý và phát triển các mô hình, giúp ĐVTN khác mạnh dạn lập nghiệp”, anh Nguyễn Minh Triết nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.