.

Mất tài sản vì cho mượn "sổ đỏ"

Cập nhật: 20:41, 19/01/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng gặp rắc rối khi cho người khác mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nhờ đứng tên để vay vốn. Hậu quả là, một số người có nguy cơ mất trắng tài sản. 

GIÚP NGƯỜI, THIỆT THÂN

Cuối tháng 12-2017, một cô gái cầm theo xấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bản phô tô mếu máo bước vào Phòng Bạn đọc, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị được tư vấn, giúp đỡ. Đó là chị Nguyễn Thị Thảo, trú tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Chị Thảo trình bày: Gia đình chị có 5 GCNQSDĐ tại huyện Tân Thành, do cha chị là ông Nguyễn Văn Dũng đứng tên. Trong các năm 2015, 2016, một người cháu họ nhiều lần hỏi mượn các giấy GCNQSDĐ để vay vốn làm ăn. Là chỗ thân tình, ông Dũng đã đồng ý cho người này mượn 5 GCNQSDĐ với tổng diện tích hơn 6.000m2. Tháng 12-2017, chị Thảo phát hiện toàn bộ diện tích đất trong các giấy chứng nhận trên đã bị người này chuyển nhượng cho nhiều người để lấy tiền, rồi bỏ đi đâu không rõ. 

Cũng vì tin người, năm 2011, vợ chồng ông Phạm Văn Chuẩn và bà Phạm Kim Anh (trú tại TP.Bà Rịa) đã đưa GCNQSDĐ của mảnh đất hơn 200m2 (trên đất có 1 căn nhà cấp 4) ở khu phố 2, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa cho bà Vũ Thị Hiền (trú tại TP.Bà Rịa) mượn để vay vốn ngân hàng. Khi mượn “sổ đỏ”, bà Hiền viết giấy tay cam kết 3 tháng sau sẽ trả. Quá hẹn tới 4 tháng vẫn chưa thấy bà Hiền trả lại “sổ đỏ” như cam kết, bà Kim Anh đòi thì bà Hiền lại khất lần. Trên thực tế, bà Hiền đã cầm cố “sổ đỏ” mảnh đất trên cho bà Hoàng Bích L. (trú tại huyện Long Điền) để vay 150 triệu đồng. Sau đó, bà Hoàng Bích L. đã bán mảnh đất này cho người khác và chỉ khi người này tới đòi nhà và đất thì vợ chồng ông Chuẩn mới biết. Hiện nay, vụ việc vẫn chưa được các bên giải quyết dứt điểm. 

Một trường hợp khác, do có nhu cầu vay vốn làm ăn, ông Dương Dè (trú ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đã nhờ ông Lê Thanh Thao (xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) vay tiền. Ông Thao hứa sẽ vay giúp ông Dè 300 triệu đồng với điều kiện ông Dè phải đưa “sổ đỏ” cho ông Thao thế chấp. Tuy nhiên, thay vì làm hợp đồng ủy quyền thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn, ông Thao lại làm hợp đồng với nội dung: ông Dè chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 4.790m2 cho ông Thao. 

Ông Dương Dè (trú tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đứng trên mảnh đất bị ông Lê Thanh Thao lừa lấy “sổ đỏ” bằng hình thức hợp đồng chuyển nhượng đất thay vì phải làm hợp đồng ủy quyền thế chấp vay vốn.
Ông Dương Dè (trú tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đứng trên mảnh đất bị ông Lê Thanh Thao lừa lấy “sổ đỏ” bằng hình thức hợp đồng chuyển nhượng đất thay vì phải làm hợp đồng ủy quyền thế chấp vay vốn. 

Do thiếu hiểu biết và tin người, ông Dè đã ký vào hợp đồng này và giao “sổ đỏ” cho ông Thao. Sau đó, ông Thao ra công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất trên cho người khác. Cũng với thủ đoạn tương tự, ông Thao đã lừa lấy “sổ đỏ” của ông Nguyễn Đức Cẩm (trú xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) rồi chuyển nhượng đất cho người khác rồi… lấy tiền và bỏ trốn.

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Cẩm (trú tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) trong căn nhà tạm được xây dựng trên mảnh đất mà ông Lê Thanh Thao đã lừa mượn “sổ đỏ” và chuyển nhượng cho người khác.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Cẩm (trú tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) trong căn nhà tạm được xây dựng trên mảnh đất mà ông Lê Thanh Thao đã lừa mượn “sổ đỏ” và chuyển nhượng cho người khác.

CẢNH GIÁC KHI GIAO DỊCH TÀI SẢN

Trao đổi với chúng tôi về thủ đoạn của các đối tượng mượn “sổ đỏ” của người khác để cầm cố, vay vốn ngân hàng rồi bỏ trốn, thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, Phó Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, nhiều người dân, nhất là ở khu vực nông thôn do cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, đã cho người khác mượn “sổ đỏ”, dẫn đến bị lừa đảo. Bên cạnh đó, khi cần vay vốn, nhiều người ngại đến ngân hàng mà giao “sổ đỏ” cho các đối tượng môi giới nhờ lo thủ tục. Trường hợp này có rủi ro rất cao và phần lớn người đứng tên “sổ đỏ” phải gánh chịu khi đến hạn trả nợ. “Trong quá trình thụ lý các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất, khi xét thấy trường hợp nào có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì TAND TP.Vũng Tàu chuyển qua cơ quan công an để điều tra làm rõ”, ông Hiến nói. 

Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, cũng khuyên, để tránh gặp rắc rối và nguy cơ mất tài sản, người có nhu cầu vay vốn nên trực tiếp đến ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng để làm thủ tục. Trong giao dịch tài sản với người khác, người có tài sản cần cảnh giác khi làm các thủ tục ký kết hợp đồng; cần đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hoặc nhờ tư vấn của luật sư để được hỗ trợ về pháp lý, tránh thiệt hại cho mình về sau. Đối với những vụ án dân sự liên quan đến việc vay vốn có dấu hiệu hình sự được tòa chuyển qua, cơ quan công an cần nhanh chóng điều tra, xử lý để răn đe kịp thời. 

Thượng tá Đặng Văn Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh cho hay, thời gian qua, PC45 đã nhận được nhiều đơn thư của người dân về việc bị các đối tượng mượn “sổ đỏ” với ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình điều tra, xác minh, PC45 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can một số vụ việc. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương, nên cơ quan công an phải phát lệnh truy nã và tổ chức truy bắt để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Người nào dùng tài sản (đất đai, nhà cửa…) của người khác để thế chấp vay vốn, hay thực hiện giao dịch khác mà không có sự đồng ý của chủ tài sản và không hoàn trả tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan điều tra xác định đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo, hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, trong quá trình giao dịch tài sản theo hình thức vay - mượn, nếu nhận thấy người vay không thực hiện đúng thỏa thuận cam kết, người cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại tài sản. 

(Luật sư Vũ Anh Thao, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT)

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

.
.
.