Hành trình "tìm" con
Với những cặp vợ chồng bình thường, việc sinh con là điều hiển nhiên. Nhưng, với những cặp vợ chồng hiếm muộn, đây là cả hành trình đầy gian nan.
ĐI TÌM “QUẢ NGỌT”
Cưới nhau từ năm 2008 nhưng sau 3 năm vẫn chưa có tin mừng, vợ chồng anh Hoàng-chị Phúc (đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) quyết định đi khám tại bệnh viện Từ Dũ. Kết quả cho thấy, lỗi ở cả hai phía nhưng cơ hội thì vẫn còn. Tuổi còn trẻ, lại nghĩ “từ từ sẽ có”, nên anh chị đã bỏ thêm 2 năm trôi qua. Khi chị Phúc 30 tuổi, anh Hoàng 35, ba mẹ hai bên thúc giục, anh chị mới quyết định gác lại mọi việc để “kiếm” con. Ai mách thầy lang nào hay, bác sĩ nào tốt, anh chị đều tìm đến nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng, anh chị quyết định dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (TTON). “Trong 3 tuần, cứ 2-3 ngày tôi lại phải khăn gói rời nhà từ 3 giờ sáng lên bệnh viện để thực hiện các thủ thuật rồi về trong ngày, đến nhà cũng là lúc mệt mỏi rã rời”.
Lần TTON ấy, chị Phúc được 3 phôi. Anh chị khấp khởi hy vọng, nhưng rồi kết quả không đậu thai. “Nhận kết quả, tôi òa khóc, còn chồng thì vỗ vai an ủi. Mấy tuần tiếp đó, tôi gần như trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai. Nhưng rồi, tôi cũng phải gượng dậy và lại cặm cụi làm việc, tích góp tiền để tiếp tục nuôi giấc mơ có con”, chị Phúc nói. Hành trình “tìm” con của anh chị đầy gian nan, tốn kém và mỗi lần chi phí hết hàng trăm triệu đồng. Và rồi, những cố gắng của anh chị cũng được đền đáp ở lần TTON thứ 4. Lần này, chị đậu thai nhưng suốt 9 tháng thai kỳ phải nằm im “treo chân” để dưỡng vì thai yếu, nhiều lần dọa sảy. Cuối năm 2017, chị sinh một bé gái bụ bẫm, cả nhà cùng mừng vui, hạnh phúc.
Hành trình “tìm” con của chị Ngọc Anh (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) còn gian nan gấp bội. Trong hơn 10 năm, chị đã 13 lần TTON, tài sản lần lượt đội nón ra đi mà ngôi nhà vẫn vắng tiếng cười trẻ thơ. Chị Ngọc Anh từng đề nghị chia tay với anh Tú - chồng chị vì không thể mang lại hạnh phúc cho anh, trong khi anh là con trai duy nhất. Cuối cùng, chị phải đi xin trứng của người em họ để làm TTON, khi tạo thành phôi thì cấy vào tử cung chị. Lần TTON thứ 14 này, chị đậu thai đôi. Ngày đón 2 con (1 trai, 1 gái) chào đời, chị Ngọc Anh không cười mà cứ khóc mãi vì hạnh phúc, còn đại gia đình thì ăn mừng suốt mấy ngày. Đến giờ 2 con của chị đã được 3 tuổi, nhìn các con bi bô nói cười, chị Ngọc Anh bảo đã không phí công sức bao năm chịu đau đớn.
Việc điều trị hiếm muộn thành công phần lớn sẽ đạt được ở những cặp vợ chồng đồng tâm nhất trí, luôn hỗ trợ động viên nhau và kiên trì điều trị. Ảnh minh họa: Internet. |
ĐỪNG ÁM ẢNH THẤT BẠI
Không may mắn như chị Phúc và chị Ngọc Anh, chị Quỳnh (đường Nguyễn Văn Trỗi) vừa hoàn thành thủ tục li dị chồng, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm. Do hiếm muộn nên vợ chồng chắt chiu được đồng nào là lại chạy chữa hết bệnh viện này đến thầy lang nọ. Thậm chí, vợ chồng chị còn sang cả Thái Lan, Hàn Quốc làm TTON nhưng không có kết quả. Sau những cố gắng không thành, chị Quỳnh quyết định buông xuôi…
Với mỗi cặp vợ chồng, đứa trẻ ra đời là kết quả của tình yêu, là cơ sở của hạnh phúc bền vững. Sự hiếm muộn đã làm cho các cặp vợ chồng luôn sống trong tâm trạng lo âu và càng mong đợi, càng hy vọng thì càng căng thẳng hơn, không khí gia đình theo đó cũng trở nên ngột ngạt. Bên cạnh đó, những lời nhắc nhở, hối thúc của gia đình hai bên càng làm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thêm áp lực.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.Hồ Chí Minh) khuyên, sau 1 năm không có thai, vợ chồng nên đi khám để có hướng điều trị kịp thời. Khi đi khám, cả hai vợ chồng cần có mặt để được bác sĩ tư vấn và giải thích các vấn đề liên quan. Việc điều trị thành công phần lớn sẽ đạt được ở những cặp vợ chồng có sự đồng thuận, hỗ trợ, động viên nhau và kiên trì điều trị. “Vấn đề hiếm muộn càng sớm được nhận diện thì cơ hội giải quyết thành công càng cao”, bác sĩ Tiến Dũng nói.
AN HÒA