Giúp thanh, thiếu niên tránh xa tệ nạn xã hội
Thực hiện mô hình dân vận khéo “Cảm hóa, giúp đỡ thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số”, từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Điều hành ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) đã giúp nhiều thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số chuyển biến về nhận thức và hành động, giúp các em tránh xa tệ nạn, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đại diện Chi bộ, Ban điều hành ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) tuyên truyền, cảm hóa một thanh niên tại địa phương. |
Là người dân tộc Châu Ro, hiện em Đào Văn K. (SN 2003, ở tổ 1, ấp Vinh Thanh) đang học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn TT.Ngãi Giao. Trước đây, K. chăm ngoan, có ý thức phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, năm 2016, K. tập tành chơi game online và “nghiện thế giới ảo” lúc nào không hay. Từ đó, K. thường xuyên bỏ học, lén lấy gà, vịt, nông sản của gia đình đem đi bán để có tiền thỏa mãn cơn nghiền game của mình.
Nắm bắt tình hình của K., Ban điều hành ấp đã phối hợp với Công an ấp và các hội, đoàn thể đến nhà em để giáo dục, tuyên truyền tác hại của việc nghiện game online. Tuy nhiên, K. vẫn không thay đổi, tiếp tục lén lút chơi game. Không nản trí, Ban điều hành ấp kiên trì vận động, đưa ra nhiều dẫn chứng sinh động về hệ lụy, tác hại của việc nghiện game đối với sức khỏe, học tập; đồng thời Đoàn Thanh niên ấp thu hút K. tham gia vào các sân chơi văn hóa, văn nghệ, TDTT lành mạnh, các hoạt động tình nguyện… Mưa dầm thấm lâu, những giải pháp này đã phát huy tác dụng, K. đã thay đổi nhận thức, từ bỏ game và đến trường trở lại.
Còn với Đào Kiên Q. (SN 1997, ở tổ 3, ấp Vinh Thanh), cũng là người dân tộc Châu Ro, sau khi cha mẹ ly dị, Q. ở cùng bà nội. Do ít được gia đình quan tâm, Q. thường xuyên tụ tập bạn bè quậy phá. Ngoài ra, Q. còn sử dụng ma túy “đá”. Trước tình hình này, Ban điều hành ấp đã phối hợp với Công an thị trấn giúp Q. cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công, Ban điều hành ấp đã giới thiệu Q. làm phụ hồ ở các công trình xây dựng trên địa bàn. Với công việc này, hiện Q. có thu nhập gần 200 ngàn đồng/ngày, tự lo được cho bản thân và có điều kiện chăm sóc bà nội. “Nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của các cô, chú trong Ban điều hành ấp, có lẽ em đã đi chệch hướng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Em rất biết ơn sự giúp đỡ của Ban điều hành ấp và các hội, đoàn thể ở địa phương”, Q. chia sẻ.
Bà Dương Thị Sáng, Trưởng Ban điều hành ấp Vinh Thanh cho biết, mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số” do Chi bộ, Ban điều hành ấp phối hợp với các hội, đoàn thể ấp thực hiện. Nội dung chính của mô hình là vận động, giúp đỡ HS người dân tộc thiểu số trở lại trường học tập; cảm hóa, giáo dục những thanh, thiếu niên có dấu hiệu hư hỏng, nghiện game, ma túy… Từ khi thực hiện mô hình đến nay, ngoài trường hợp của Đào Văn K. và Đào Kiên Q., Ban điều hành ấp đã vận động được 8 HS bỏ học trở lại trường; giúp đỡ, cảm hóa gần 20 thanh niên có dấu hiệu hư hỏng; giúp 2 thanh niên cai nghiện ma túy thành công... Ngoài ra, Ban điều hành ấp còn tạo nhiều sân chơi văn hóa, văn nghệ, TDTT giúp thanh, thiếu niên trên địa bàn có địa chỉ vui chơi lành mạnh, bổ ích, tránh xa các tệ nạn.
Nhận định về mô hình này, đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Đảng ủy TT.Ngãi Giao cho hay: Trước diễn biến phức tạp của các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội, thanh, thiếu niên rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sa ngã. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, kịp thời cảm hóa những thanh, thiếu niên lầm lỡ có vai trò rất quan trọng. Mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số” do ấp Vinh Thanh triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả bước đầu. Thời gian tới, thị trấn sẽ tổ chức sơ kết mô hình này và xem xét nhân rộng ra các khu phố còn lại, góp phần giúp thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH