.
TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Chủ động phòng ngừa bệnh sởi

Cập nhật: 21:44, 11/01/2018 (GMT+7)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có khả năng lây lan rất cao do bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là vào mùa Đông-Xuân. Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có vắc-xin bảo vệ, thuộc dự án tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Đưa các cháu trong độ tuổi đi tiêm vắc-xin theo hướng dẫn của cán bộ y tế là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Nhận biết bệnh

Bệnh sởi là tình trạng nhiễm vi rút cấp tính (vi rút thuộc nhóm RNA paramyxovirus). Ở thể thường, sởi là bệnh lành tính. 

Thời kỳ ủ bệnh: Chừng 10-12 ngày, có khi ngắn hơn (khoảng 1 tuần), thường không có biểu hiện gì.

Thời kỳ khởi phát: Thường kéo dài 4-5 ngày, biểu hiện khởi đầu là sốt cao, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt, chảy nước mũi, ho, có khi có tiêu chảy và có nốt trắng nhỏ (nốt Koplik) ở niêm mạc miệng (trong má).

Thời kỳ mọc sởi: Các biểu hiện của bệnh nặng hơn lên và mọc ban sởi. Lúc đầu ban sởi thường mọc ở sau tai, sau lan dần ra mặt, cổ, lưng, bụng và tay chân (khoảng 3 ngày ban sẽ mọc kín người). Ban sởi màu đỏ hồng nhạt, mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Sởi bay cũng trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm và bong da nhỏ như rắc phấn, nhìn vằn như da hổ. Các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần mới hết. Có thể trẻ vẫn còn đau mắt, sổ mũi, quấy khóc, không chịu ăn… 

Thời kỳ hồi phục: Các triệu chứng bớt dần, thường sau 1 tuần ban sởi bay hết và sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường.

Sự lây truyền của bệnh

Bệnh sởi lây nhiễm qua đường hô hấp. Vi rút từ những giọt nước bọt li ti của người bệnh bắn ra khi nói, ho, hắt hơi… và người lành hít phải khi tiếp xúc, do vậy bệnh lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được miễn dịch chưa đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và có thể xuất hiện các biến chứng nặng nề. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền trong vòng 6-9 tháng.

Biến chứng

Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng của nó. Đó là sự nhân lên của vi rút hoặc do bội nhiễm các loại vi khuẩn gây ra các bệnh khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản, viêm não… Hầu hết các trường hợp tử vong là do các biến chứng. Đặc biệt, trẻ bị suy dinh dưỡng thường dễ mắc sởi. Và chính sởi lại làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hơn.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán bệnh thường căn cứ vào các biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm là đặc biệt cần thiết để phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác như Rubella… Trong thời gian mang bệnh, xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu giảm. Trẻ nghi ngờ bị mắc sởi cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn chu đáo. Trẻ bệnh nặng được điều trị kịp thời; những trường hợp nhẹ được hướng dẫn chăm sóc, cách ly tại nhà.

Về điều trị, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, việc theo dõi sát, phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Về chăm sóc, cần cách ly trẻ ngay khi trẻ mới sốt và có biểu hiện viêm long đường hô hấp; phòng ốc đảm bảo thoáng, đủ sáng, tránh gió lùa; lau mặt, lau người cho trẻ bằng nước ấm; cho trẻ ăn nhẹ, uống nhiều nước (dung dịch Oresol, nước trái cây); với trẻ đang bú phải tiếp tục cho bú mẹ; không cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác.

Phòng ngừa

Vắc-xin là biện pháp dự phòng tốt nhất. Trước đây khi chưa có vắc- xin thì tuổi thơ ấu hầu như ai cũng bị mắc bệnh sởi. Phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin được khuyến cáo khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên người ta thấy rằng, việc tiêm 1 mũi vắc-xin duy nhất không đủ tạo ra miễn dịch bền vững và rộng rãi trong cộng đồng vì tỷ lệ trẻ tiêm phòng bệnh sót cũng như tỷ lệ đạt được miễn dịch của văc-xin cũng chỉ đạt xung quanh con số khoảng 90%. Do vậy, cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2, thời gian tiêm là khi trẻ 18 tháng tuổi. 

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường 4, TP.Vũng Tàu. Ảnh: TL
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trạm Y tế phường 4, TP.Vũng Tàu. Ảnh: TL

Ngoài ra, người lớn mà chưa được miễn dịch về bệnh sởi cũng cần được tiêm vắc-xin ngừa sởi. Mọi người có thể đến TTYT dự phòng tỉnh tại 19 Phạm Ngọc Thạch, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa hoặc các TTYT huyện, thành phố để được chích ngừa, bảo vệ sức khỏe.

BS NGUYỄN VĂN LÊN

 
.
.
.