.
CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN:

Khơi dậy thói quen đọc sách ở mỗi người

Cập nhật: 17:53, 24/01/2018 (GMT+7)

Nếu như chúng ta có điều kiện tìm hiểu về các danh nhân thế giới, có thể thấy rằng, hầu hết các vị danh nhân này, mặc dù xuất phát điểm trong xã hội, hay tính cách, sở thích, thói quen, lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng họ hầu như có một điểm chung, đó là sở thích đọc sách. Khó có thể chỉ ra một vĩ nhân nào đó lại không thích đọc sách, kể cả một danh tướng như Napoléon là người thường xuyên xông pha trận mạc cũng có sở thích đọc sách. Điều này cho thấy, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của mỗi con người.

Học sinh Trường TH Trần Văn Thượng (TP.Bà Rịa) đọc sách trong giờ ra chơi. 
Học sinh Trường TH Trần Văn Thượng (TP.Bà Rịa) đọc sách trong giờ ra chơi. 

Cũng không có gì khó khăn để chứng minh điều này. Trước hết, sách luôn được ví như một người bạn, và cũng chẳng có ai thành công mà không có một người bạn ở bên cạnh. Càng có nhiều bạn thì càng dễ gặt hái thành công, tất nhiên là phải biết chọn bạn mà chơi và đọc sách cũng vậy, phải biết chọn sách mà đọc. Kế đến, sách giúp chúng ta bồi bổ tri thức. Đọc sách còn giúp phát triển tư duy, nuôi dưỡng những hoài bão to lớn và nghị lực mạnh mẽ để vượt qua dông tố trong cuộc sống. Đọc sách cũng giúp con người trau dồi phẩm hạnh, nhân cách và làm phong phú tâm hồn.

Đọc sách có nhiều tác dụng to lớn như vậy, nhưng thời nay, không biết có phải do áp lực của kinh tế thị trường, phải lo vật lộn, bươn chải với cuộc sống nên ít người chịu đọc sách. Mặc dù Việt Nam là dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, nhưng so với một số quốc gia phát triển thì văn hóa đọc sách ở ta còn nhiều hạn chế. Hiện nay, mỗi người dân Việt Nam trung bình đọc 0,28 cuốn sách/năm, còn tỷ lệ này ở Nhật Bản hay Israel là 20 cuốn/người/năm, ở Singapore là 10 cuốn/người/năm. 

Hiện nay, khi đời sống khá giả, nhiều gia đình đầu tư xây dựng những căn biệt thự tiện nghi, trong phòng khách luôn hiện diện chiếc tủ trưng bày nhiều chai rượu đắt tiền, nhưng hiếm ai đầu tư một tủ sách trong nhà. Họ không biết rằng, có một tủ sách trong nhà không chỉ giúp họ có được tri thức, mà còn hình thành không gian văn hóa trong gia đình, tạo lập được truyền thống hiếu học cho các thế hệ con em. Xét theo quan niệm Đông phương thì tủ sách trong nhà sẽ làm giàu nguyên khí, thuận lợi cho việc học hành của con em trong gia đình. Còn nếu xét theo thực tế thì những con em sinh trưởng trong gia đình có nhiều sách thường là năng lực học tập nổi trội hơn. Ở một số trường học đã gầy dựng tủ sách, thậm chí trong lớp học cũng có một tủ sách nhỏ, nhưng thời gian dành cho các em đọc sách chưa nhiều. 

TP.Vũng Tàu hiện đang trong tiến trình phát triển trở thành một đô thị “Xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng”. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ đòi hỏi những giá trị đầu tư về vật chất, mà còn phải phát triển về văn hóa và con người. Chỉ có con người có văn hóa mới tạo lập được một đô thị văn minh và xứng đáng là chủ nhân của đô thị văn minh. Do đó, việc phát triển văn hóa đọc sách trong nhân dân là một nội dung quan trọng trong Kế hoạch hành động của Thành ủy Vũng Tàu để thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần tự mình tích cực tham gia đọc sách và vận động người thân trong gia đình cùng tham gia đọc sách. 

Nếu như ai đó trong cuộc sống thường hay gặp những thất bại, thua thiệt, thì trước khi oán trách số phận, hãy tự hỏi mình đã thường xuyên đọc sách hay chưa? Và trong suốt cuộc đời, chúng ta có thể sẽ hối hận về một việc làm nào đó, nhưng chắc chắn không bao giờ hối hận về việc đã đặt trong nhà một tủ sách. Và chúng ta nên khơi dậy thói quen đọc sách ở mỗi người, mỗi gia đình để tạo thành văn hóa đọc sách cho cả cộng đồng. 

 TRẦN NGỌC HÀ
(Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu)

.
.
.