Cần cân nhắc kỹ khi tăng tuổi nghỉ hưu
Bộ LĐTBXH đang tiếp tục lấy ý kiến cho Dự thảo trình Chính phủ 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55 tuổi; phương án 2, tăng theo lộ trình mỗi năm 6 tháng, bắt đầu từ năm 2021 cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi. Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định việc này.
NHIỀU CÔNG NHÂN KHÔNG ĐỒNG TÌNH
Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTBXH, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc khảo sát nhanh ghi nhận ý kiến của NLĐ trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, hầu hết NLĐ không ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu và muốn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).
Nhiều công nhân làm việc trong ngành may mặc, giày da không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH dệt may FORMOSA (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. |
Chị Phạm Thị Ngân (34 tuổi), công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) nói: “Nếu tăng tuổi hưu lên 60, tôi sẽ không đủ sức khỏe để làm việc đến thời điểm đó, vì ngoài môi trường sản xuất giày da độc hại thì nữ CNLĐ chúng tôi còn trải qua nhiều lần sinh nở, rồi mất nhiều công sức chăm sóc gia đình, con cái nên sức khỏe giảm mạnh sau tuổi 50. Do vậy, tôi chỉ muốn được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi”.
Còn anh Huỳnh Duy Hà (34 tuổi), công nhân Công ty TNHH Nhà thép PEB (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho rằng, sản xuất thép là công việc nặng nhọc, chủ yếu dành cho nam giới có sức khỏe tốt. Môi trường làm việc rất độc hại, ô nhiễm tiếng ồn, NLĐ phải chịu áp lực, cường độ làm việc căng thẳng. Vì vậy, việc tăng tuổi hưu cần tính toán hợp lý với thực tế điều kiện làm việc của NLĐ. “Theo tôi, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với những người làm việc văn phòng, lao động trí óc”, anh Hà nêu ý kiến.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính toán hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Giấy Sài Gòn (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. |
Đối với NLĐ làm việc trong lĩnh vực xây dựng cũng có chung quan điểm không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu. Trong suốt 6 năm làm việc tại Công ty TNHH Xây lắp dịch vụ Tân Thịnh (phường 8, TP.Vũng Tàu), anh Nguyễn Xuân Ngọc (30 tuổi) thường xuyên phải làm việc tại các công trường. Hàng ngày, bất kể trời nắng hay mưa, anh và các đồng nghiệp vẫn phải làm việc. Do công việc nặng nhọc, độc hại nên anh Ngọc chỉ muốn nghỉ hưu ở tuổi 60 như hiện nay.
Với NLĐ làm việc văn phòng, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu cũng khiến họ băn khoăn. Chị Trần Quan Nhị (35 tuổi), công chức văn hóa xã hội UBND TT.Đất Đỏ, (huyện Đất Đỏ) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính toán kỹ để bảo đảm hợp lý nhất. Với riêng chị, vẫn muốn nghỉ hưu ở tuổi 55. Còn cô Mai Thị Lệ Thủy, GV Trường TH Song Ngữ (TP.Vũng Tàu) nói: “Hiện nay, nhiều GV lớn tuổi được bố trí dạy môn phụ. Thực tế, càng lớn tuổi thì sức khỏe, nhiệt huyết của GV cũng giảm. Tôi nghĩ, nếu làm việc tới tuổi 60 thì mình sẽ không còn đủ sức khỏe, nhiệt huyết để giảng bài cho HS”.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Thép tấm lá Thống Nhất (huyện Tân Thành). |
NÊN HAY KHÔNG?
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Chính sách - An toàn lao động (Sở LĐTBXH), Sở LĐTBXH đồng ý với phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam và 58 tuổi với nữ, bởi việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay và vì lợi ích lâu dài của đất nước. Ông Hùng cho hay: “Bình quân tuổi thọ người dân hiện nay là 76 tuổi, còn tuổi thọ của NLĐ tham gia BHXH là gần 80 tuổi. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm quỹ BHXH là phù hợp”.
Ý kiến từ cơ quan thực hiện chính sách BHXH, ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, BHXH tỉnh đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu của Bộ LĐTBXH. Việc tăng tuổi hưu đối với nam lên 62, nữ lên 60 phù hợp với chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tuổi thọ bình quân hiện nay. Việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng nguồn nhân lực cao tuổi, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao trong bối cảnh sức khỏe lao động ngày càng cải thiện. Đồng thời, nếu giữ nguyên mức đóng - hưởng, thời gian đóng - hưởng BHXH như hiện nay thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Tuy nhiên, muốn tăng tuổi hưu, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ, có lộ trình phù hợp và áp dụng cho từng đối tượng, nhóm ngành nghề. Nếu lao động trong lĩnh vực hành chính thì có thể tăng tuổi hưu để họ tiếp tục đóng góp trí tuệ, tài năng cho đất nước, còn lao động khu vực sản xuất trực tiếp nên tính toán phù hợp.
Về phía công đoàn, ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho hay: “LĐLĐ tỉnh không đồng tình với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Qua nắm bắt ý kiến NLĐ, chúng tôi nhận thấy, NLĐ không đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất của Bộ LĐTBXH. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và phải xác định rõ danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, tránh quy định chung chung vì sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ”.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật. Từ năm 2007, trong khi bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tất cả các lần đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động đều được đưa ra bàn thảo nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội nhất trí. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng. Điểm mới của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo lần 2 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) là thời điểm áp dụng bắt đầu từ ngày 1-1-2021, thời gian tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhanh hơn. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1-1-2021, cứ mỗi năm, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì tăng 3 tháng như dự thảo lần 1) cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đề xuất này nhằm bảo đảm sự bền vững của Quỹ BHXH; bảo đảm quyền tự do việc làm của NLĐ sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm và bảo đảm cân đối dài hạn quỹ hưu trí, tử tuất. |
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC