.

Nhớ lắm tháng Chạp

Cập nhật: 09:47, 19/01/2018 (GMT+7)

Tháng Chạp, nghe cái rét ngọt trong từng hơi thở. Từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo mưa, khiến cho cái rét càng thêm tê tái, rét như cắt da cắt thịt. Vạn vật thu mình, bất động. 

Tháng Chạp vừa sang, cha bảo: “Nhanh thật! Còn một tháng nữa đến Tết” là lũ trẻ chúng tôi vui sướng lắm. Tối đến, bên gian bếp, cả nhà lại quây quần râm ran nói chuyện đón Tết quên cả rét: phiên chợ nào mẹ sẽ đi chợ bán gà, bán chuối lấy tiền tiêu Tết; cha sẽ rủ ai đụng heo; ngày nào sẽ gói bánh chưng; ngày nào sẽ đi tảo mộ mời các cụ về ăn Tết... Trầm hương, đường mật, nước mắm cũng được nhắc tới. Cha tôi còn kể chuyện mười hai con giáp, năm tới sẽ là con gì, ý nghĩa của nó ra sao khiến chúng tôi lặng im ngồi nghe.

Rồi đến chợ phiên, mẹ đi chợ mua về mấy cuộn len xanh đỏ. Lúc nào rảnh, mẹ lại lấy len ra đan. Tay mẹ thoăn thoắt. Lũ con ngồi quanh mắt không rời đôi tay mẹ. Chốc chốc, mẹ lại ướm thử tấm áo vào người, nghe mùi thơm len mới thoang thoảng, anh em tôi sướng mê!

Tôi giúp mẹ cầm và giăng len. Mẹ dặn, mẹ đan đến đâu, con giăng tới đó, đừng giăng dài làm len bị rối. Chị gái tôi thì muốn mẹ cho cầm đôi que tập đan. Chị nói nhất định khi lớn lên chị sẽ biết đan nhanh và đẹp như mẹ. Còn cu Tý cũng chẳng chịu ngồi yên, cứ một hồi lại sốt sắng hỏi: “Áo của con sắp xong chưa mẹ?”. Mẹ vẫn thoăn thoắt tay đan, nhìn nó trìu mến bảo: “Con gắng đợi chút đi, thể nào đến Tết con cũng có áo mới để mặc”. Nó thích quá, cười toét miệng!

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã giữa tháng Chạp, chỉ còn nửa tháng nữa là Tết. Cha nhắc mẹ phiên chợ tới nhớ mua cho cha vài cái ống giang. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, cha sẽ lấy ra chẻ lạt để gói bánh chưng. Nhìn cha khẽ khía lưỡi dao tách đầu thanh giang sau khi đã lột bỏ phần ruột, rồi dùng răng cắn một đầu, đầu kia ép con dao vào ngón tay khẽ lột dần cho đến khi tách rời chúng ra thành hai sợi lạt đều nhau thật thích mắt!

Vừa chẻ lạt, cha vừa cao hứng ngâm câu ca dao: “Lạt này gói bánh chưng xanh/Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng”. Mẹ đan len ngồi kế bên bếp lửa, đáp lại dịu dàng: “Lạt mềm buộc chặt”, lạt này sau để giằng bánh chưng thì không phải lo gì cả. Ngày xưa ấy, tôi vẫn chưa hiểu hết ý trong lời nói đó của mẹ, chỉ chăm chăm chú ý mỗi việc cha chẻ tới đâu thì gom bó lại tới đó. 

Những bó lạt được cha chẻ xong, treo gác bếp đợi Tết đến. Những chiếc áo len mẹ đan cũng đã hoàn thành. Trẻ con háo hức lắm nhưng chỉ dám mặc áo vào ngắm nghía một chút rồi cởi ra cất ngay, vì sợ rằng nếu mặc lâu thêm tý nữa thì đến Tết áo không còn mới, còn thơm nữa.

Tháng chạp cạn ngày cũng là lúc Tết đang đến rất gần, gần lắm! Cái rét đặc sánh như có thể cầm nắm. Già trẻ gái trai, ai cũng súng sính áo quần đi chợ Tết. Dân quê tôi đi chợ Tết cứ phải đi bộ. Từ nhà ra chợ chỉ hơn cây số thôi, mọi người vừa đi vừa hà hơi xuýt xoa cái rét ngọt thế mới là đi chợ Tết. Chợ Tết đông lắm muốn mua cái gì, muốn xem cái gì cũng phải lao chen chúc nhau. Thế nên đến ngày Tết, người ta gọi chợ thành Chợ Cọ, đi chợ Tết là đi Chợ Cọ. Có người còn đùa lạnh quá nên “cọ” vào nhau một cái cho ấm!

Cứ thế, tháng Chạp đi và đến như những gì vô ưu nhất của cuộc đời. Chúng tôi như mê, như say vị ngọt ứ đọng, chất đầy trong từng “củ mật”, để rồi lớn lên và bay xa... 

Tháng Chạp đã lại về, chẳng còn háo hức Tết như ngày xưa nữa. Tháng Chạp mọi người còn tất bật làm ăn. Tết ư? Chỉ cần 30 Tết chạy một vòng qua các hàng quán hay gọi vài cuộc điện thoại là đã có đủ thứ rồi. Nào bánh trái, thịt thà, mứt kẹo... cần gì, cần bao nhiêu cũng có.

Ấy vậy mà giữa đủ đầy, tiện nghi vẫn thấy thiếu vắng một cái gì đó ngọt ngào lắm, da diết lắm. Nhớ lắm tháng Chạp ơi!

NGUYỄN THỊ HÒE

.
.
.