Bản tình ca lính biển
Tiết mục “Đường Hồ Chí Minh trên biển” của Lữ đoàn 125. |
Từ ngày 12 đến 14-12, tại TP.Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2017 với chủ đề “Bài ca người chiến sĩ canh giữ biển dầu”. Các tiết mục của 11 đội văn nghệ tham gia liên hoan mang thông điệp: Biển đảo của ta, ta khai thác giữ gìn; quân, dân chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Những khúc ca thắm tình biển đảo
52 tiết mục ca, múa, kịch, tạp kỹ… trình diễn tại liên hoan đều đậm chất biển đảo. Nếu Căn cứ 696 được chọn khai mạc liên hoan với những ca khúc tự biên hấp dẫn như “Hào khí Việt Nam”, “Nơi ấy là Trường Sa”, “Biển gọi tên em”, “Kỷ vật của cha”, “Tâm tình người lính thợ 696”, thì đội nghệ thuật quần chúng của Lữ đoàn 171 trẻ trung trong những màn ca múa: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Sức sống Trường Sa”, “Bài ca Lữ đoàn 171”.
Tiếp đó, đội nghệ thuật quần chúng Lữ đoàn 125 đem đến cho người xem chương trình ca múa nhạc xuyên suốt là cuộc hành trình thầm lặng, anh dũng hi sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số; Các chiến sĩ nhà giàn DK1 thể hiện quyết tâm bảo vệ những “cột mốc sống” giữa biển khơi bằng những khát vọng cháy bỏng từ trái tim người lính được tái hiện sinh động qua những tác phẩm ca múa: “Dấu chân phía trước”, “Không nơi nào đẹp thế đâu em”, “Vẫn hát bài tình ca”, “Viết tiếp bản hùng ca người lính nhà giàn”; Đội nghệ thuật Lữ đoàn 681 khắc họa nhiệm vụ chính trị trọng yếu của đơn vị và tình đoàn kết quân dân bằng những tác phẩm nghệ thuật thắm đượm tình người...
Ngày hội của cán bộ, chiến sĩ
Liên hoan đã thu hút gần 400 nam, nữ diễn viên của 11 đội văn nghệ tham gia. Có chiến sĩ lần đầu tiên đứng trên sân khấu hoành tráng trong hội trường của vùng 2 Hải quân với sức chứa 500 khán giả không khỏi hồi hộp đến “toát mồ hôi” dưới ánh đèn sân khấu. Có diễn viên đã hàng trăm lần biểu diễn trước cả ngàn khán giả, vậy mà vẫn xúc động rưng rưng nước mắt khi cất lời ru: “Bố là lính biển hải quân, ngày đêm canh giữ đảo xa chưa về, bố luôn giữ trọn lời thề, hoàn thành nhiệm vụ bố về với con”, hoặc “Con ơi nhớ lấy lời cha, biển xa bố giữ, việc nhà mẹ lo, con mới biết lật biết bò, làm sao hiểu được sóng to gió ngàn”.
Là diễn viên múa không chuyên “gạo cội” của Căn cứ 696, Thiếu tá Lê Thị Châm chia sẻ: “Đơn vị làm công tác phục vụ kỹ thuật hậu cần, điều kiện kinh phí hạn hẹp, song bằng nỗ lực của mình, chúng tôi xây dựng chương trình hoàn toàn không thuê mướn diễn viên hay đạo diễn. Anh chị em đều tự biên, tự diễn. Đạo cụ làm bằng lá dừa và bìa cac-tông. Các diễn viên là hạt nhân văn nghệ từ các trạm sửa chữa”.
Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân, thành viên ban giám khảo nhận xét: Mỗi tiết mục biểu diễn tại liên hoan đều có một sắc thái riêng, phản ánh sinh động đời sống, huấn luyện, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời thể hiện khát vọng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Liên hoan đã thực sự trở thành ngày hội tranh tài, khoe sắc giữa các đội văn nghệ. Chất lượng nghệ thuật các tiết mục khá đồng đều, dàn dựng công phu, đầu tư trí tuệ, chứng tỏ rằng phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng Vùng 2 Hải quân khép lại, nhưng những bản tình ca đậm màu biển đảo, thắm tình quân dân còn vang vọng mãi.
Bài, ảnh: MAI THẮNG