.

TRẨY HỘI ĐỀN HÙNG

Cập nhật: 09:39, 28/04/2004 (GMT+7)

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Trẩy hội Đền Hùng 2004

Đã từ lâu câu ca xưa đã thực sự quen thuộc, gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam, những người con xa xứ cũng như khách du lịch nước ngoài, cứ đến ngày mồng 10  tháng 3 âm lịch tất cả lại hành hương về Đất Tổ thắp nén hương tưởng niệm các Vua Hùng; tham dự lễ hội Đền Hùng và xem các trò  chơi dân gian vùng Đất Tổ.  Theo dòng người đi trẩy hội, chúng tôi đã về Phú Thọ dự lễ hội Đền Hùng năm 2004.

Từ thành phố Việt Trì đi vào Đền Hùng, con đường nhựa mới được nâng cấp trải nhựa phẳng phiu, dọc hai bên đường phấp phới những lá cờ Tổ quốc, băng rôn in đậm những hàng chữ: ""Phú Thọ kính chào quý khách", ""Đền Hùng – mời bạn dừng chân"… Hai tuyến đường dẫn vào khu vực Đền Hùng đường đi như hẹp hơn bởi những dòng người đi trẩy hội.

Dọc hai bên đường vào Đền Hùng vẫn có đầy đủ các hàng quán, dịch vụ phục vụ cho khách đi hội từ: đổi tiền lẻ vào đền, các hàng ăn, dịch vụ gánh thuê, cho mượn chiếu đến chụp ảnh, các trò chơi ... Nhưng có một điểm khác so với mọi năm là hàng quán đã được Ban tổ chức lễ hội sắp xếp lại và những người hành nghề làm dịch vụ đều phải đeo thẻ do Ban tổ chức cấp. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du  lịch Phú Thọ, cho biết: ""Khác với những năm trước trong lễ giỗ Tổ năm nay, Sở Thương mại và Du lịch đã phối hợp với các ngành công an, thuế vụ kiểm tra chặt chẽ và có chế tài xử phạt đối với những hộ kinh doanh vi phạm, yêu cầu các hộ kinh doanh có giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh những quy định do Ban quản lý lễ hội đề ra"". Ngoài ra, cũng  theo ông Ân: "Xung quanh khu vực di  tích, ban quản lý  lễ hội Đền Hùng áp dụng biện pháp công bố giá niêm yết và hướng dẫn lối đithăm di tích qua loa truyền thanh, giúp cho du khách thuận lợi khi về dự lễ hội".

Qua cổng Đền Hùng theo 525 bậc đá du khách dừng chân trước các Đền, lăng, miếu trên núi Nghĩa Lĩnh, từ Đền Hạ nơi tương truyền Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, Đền Trung nơi Vua Hùng thường chơi cờ, vịnh cảnh và họp bàn việc nước, nơi Vua Hùng thứ 6 đã truyền ngôi cho Lang Liêu vì đã biết làm bánh chưng, bánh dầy để tỏ lòng hiếu nghĩa, rồi Đền Thượng nơi vua Hùng thường làm lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Khá nhiều du khách chụp ảnh lưu niệm tại Lăng vua Hùng (là mộ của Hùng Vương thứ 6), Đền Giếng: nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, chải tóc. Không xa phía dưới có đền Mẫu Âu Cơ cũng đã hoàn thiện. Tất cả ở những nơi này đều rất đông du khách đến thắp hương, các di tích cảnh quan ở những nơi này đều được nâng cấp, sửa sang đẹp đẽ đón du khách.

Tại Bảo tàng Hùng Vương cũng có khá đông khách tham quan ngắm nhìn những di vật quý giá thuở bình minh của đất nước như: trống đồng, gươm đồng, kiếm đồng v.v… Cũng tại sảnh của Bảo tàng Hùng Vương có rất đông các bạn trẻ, học sinh xem triển lãm những hình ảnh giới thiệu về ""Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ" do Bảo tàng Phụ nữ phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương tổ chức trong dịp khai trương lễ hội Đền Hùng năm 2004. Hấp dẫn và ấn tượng đó là được xem lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng với hình ảnh đội tiêu binh rước quốc kỳ, vòng hoa, cờ hội trong tiếng nhạc hội rộn rã. Các đại biểu mặc trang phục lễ truyền thống, các thiếu nữ mặc áo dài mang theo hương hoa, lễ vật, cùng đội nhạc lễ, đoàn rước kiệu và đoàn 100 con Lạc cháu Hồng lên dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Sau phần Hội là các loạt văn hóa đặc sắc: ca múa nhạc, các hoạt động văn hóa dân gian: lấy lửa thi nấu cơm, thi giã bánh dầy, rước kiệu múa sư tử, hát xoan, hát ghẹo trên thuyền rồng, đánh trống đồng, cồng chiêng... xem bắn pháo hoa trên hồ Gò Công, Đền Hùng.

Nét đáng chú ý trong lễ hội Đền Hùng năm nay, đúng vào ngày khai hội 24-4-2004 (tức mồng 6 tháng 3 âm lịch), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định số 48/2004/QĐ/TTg ngày 30-3-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch phát triển khu di tích lịch sử Đền Hùng tỉnh Phú Thọ đến năm 2015 với tổng diện tích hơn 1000ha. Trong quy hoạch phân chia thành các phân khu chức năng. Để khai thác và phát huy giá trị của lễ hội Đền Hùng, trong quy hoạch có chú trọng tới khu trung tâm lễ hội có tháp Hùng Vương: được xây dựng 18 tầng tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương, tầng trên cùng đặt bài vị của 18 vị Vua Hùng để du khách thắp hương tưởng niệm, qui hoạch các xã vùng ven xung quanh Đền Hùng: là nơi tạo nguồn nhân lực giữ gìn các di sản phi vật chất  thời Vua Hùng để tham gia các lễ hội truyền thống: rước kiệu, các trò chơi dân gian, hát dân ca, hát xoan, hát ghẹo...

Có thể nói: Đền Hùng - khu di tích lịch sử văn hóa nơi hội tụ hồn dân tộc với những giá trị văn hoá vẫn được bảo tồn theo năm tháng, thời gian ngày càng được đầu tư tôn tạo và phát triển. Lễ hội Đền Hùng với nét đặc trưng vùng Đất Tổ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt và cứ mỗi dịp xuân về tất cả lại cùng nhau hành hương về Đất Tổ, thắp nén hương tưởng nhớ các Vua Hùng và cùng tham dự những trò chơi dân gian độc đáo, đó là nét đẹp cần phát huy của mỗi người Việt Nam chúng ta cùng hướng về cội nguồn dân tộc.

Bài, ảnh: Mạnh Hà

.
.
.
Các tin khác