.

Phim tư nhân lấn át phim nhà nước?

Cập nhật: 09:51, 08/12/2017 (GMT+7)
Một cảnh trong phim “Đảo của dân ngụ cư” - bộ phim giành được một số giải thưởng điện ảnh quốc tế.
Một cảnh trong phim “Đảo của dân ngụ cư” - bộ phim giành được một số giải thưởng điện ảnh quốc tế.

Thời bao cấp, các hãng phim nhà nước đã tạo nên những bộ phim gây tiếng vang lớn. Nhưng khi bước sang cơ chế thị trường, các hãng phim nhà nước đuối dần, nhường chỗ cho các hãng phim tư nhân. 

QUA RỒI THỜI VÀNG SON

Những người yêu điện ảnh Việt Nam hẳn không thể quên những bộ phim truyện đã được xếp vào hàng kinh điển của các hãng phim nhà nước như: Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Chị Dậu (1981), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982)… của Hãng Phim truyện Việt Nam; Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1979), Vùng gió xoáy (1982), Lưỡi dao (1993), Vị đắng tình yêu (1991)… của Hãng Phim Giải Phóng. 

Trong đó, một số phim đã đoạt được một số giải thưởng quốc tế như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” với NSND Trà Giang thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, đạo diễn Hải Ninh được đề cử Giải Vàng tại liên hoan phim (LHP) Quốc tế Moscow, “Em bé Hà Nội” cũng của đạo diễn Hải Ninh giành Giải đặc biệt tại LHP Quốc tế Moscow 1974 (Liên Xô cũ). Phim “Mùa len trâu” giành Giải đặc biệt ở LHP Locarno, Thụy Sĩ; Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago, Mỹ; Giải cao nhất - Grand prix của LHP Amiens, Pháp; Giải đặc biệt của LHP Amazonas, Brazil…

Nhưng thời vàng son của những bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. Trong LHP Việt Nam lần thứ 19 năm 2015, phim nhà nước và phim điện ảnh Quân đội vẫn góp mặt với một số bộ phim như: Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri, Cuộc đời của Yến, Mỹ nhân, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nhưng tại LHP lần thứ 20, diễn ra tại TP.Đà Nẵng cuối tháng 11-2017 có 16 bộ phim truyện tham gia tranh giải thì tất cả của các hãng phim tư nhân! Điều này khiến những khán giả đã từng yêu mến nghệ thuật điện ảnh nước nhà không khỏi ngậm ngùi.

PHIM NHÀ NƯỚC KHÔNG HẤP DẪN?

Bước sang cơ chế thị trường, với sự phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân và dòng phim thương mại, hầu hết những bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất đều không bán được vé vì không hấp dẫn người xem. Mặt khác, khâu tiếp thị, quảng cáo yếu kém nên phim nhà nước cứ ra rạp là ế ẩm. Chẳng hạn, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng phim truyện Việt Nam ra mắt bộ phim “Sống cùng lịch sử” (năm 2014), bằng kinh phí 21 tỷ đồng của nhà nước. Dù phim được các rạp (Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng) ưu tiên dành những khung giờ đẹp nhất trong ngày để chiếu, giá vé không cao, nhưng không có khán giả đến xem và phải ngưng chiếu sau 2 tuần. Một loạt bộ phim nhà nước đặt hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự như: “Đam mê” của đạo diễn Phi Tiến Sơn (2012), “Tâm hồn mẹ” của đạo diễn Nhuệ Giang (2011)… hay như phim “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy (2015), doanh thu chỉ 500 triệu đồng, trong khi kinh phí đầu tư lên tới 16 tỷ đồng... 

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng cục Điện ảnh chia sẻ, trong 2 năm qua, không có hãng phim Nhà nước nào sản xuất phim điện ảnh và cũng chừng ấy thời gian, không có nhà tài trợ nào tài trợ sản xuất phim điện ảnh cho các hãng phim nhà nước. “Do không có phim nào được sản xuất nên không có phim để tham gia tranh giải là điều dễ hiểu. Vì vậy, không có chuyện, phim điện ảnh nhà nước sản xuất chất lượng kém nên không được tuyển chọn”, bà Phương Lan lý giải.

PHIM TƯ NHÂN LÊN NGÔI?

Thực tế cho thấy, dòng phim tư nhân hiện nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu giải trí mà chưa thuyết phục hoàn toàn về yếu tố nghệ thuật. Chưa kể, các nhà sản xuất vẫn đang loay hoay học hỏi, thậm chí sao chép phim công thức của Hàn Quốc và Mỹ. Các phiên bản Việt từ những bộ phim ngoại đang trở thành “giải pháp tình thế” cho một thị trường thiếu kịch bản hay, những ý tưởng sáng tạo nội địa. Một số bộ phim khai thác những yếu tố dân tộc, truyền thống cũng chưa hoàn toàn làm thỏa mãn khán giả. 

Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận vẫn có một số phim tư nhân như: Bao giờ có yêu nhau, Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư hướng tới tính nghệ thuật hơn là việc tìm kiếm doanh thu ngoài rạp. Đây cũng là những bộ phim nhận được nhiều giải thưởng ở các kỳ LHP quốc tế, được bạn bè quốc tế đón nhận. 

NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh - Trưởng ban Giám khảo hạng mục Phim truyện nhận xét: “Làm nhiều phim giải trí phục vụ nhu cầu khán giả cũng không sao, nhưng chúng ta không thể đưa thể loại phim này đi giao lưu vì thế giới không quan tâm nước ta giải trí thế nào. Vì vậy, một bộ phim được giải thưởng tại LHP nào đó chưa nói lên được điều gì, bởi ban giám khảo chỉ có trên dưới 10 người bình chọn. Thời gian và khán giả mới là vị giám khảo quan trọng nhất, công tâm nhất. Quan trọng là sau 20 năm, 30 năm, khán giả có còn muốn xem những bộ phim đó nữa hay không?”. 

Có lẽ, việc xóa bỏ khoảng cách giữa phim nhà nước và phim tư nhân là xu thế tất yếu, bởi cuối cùng bộ phim ấy cũng là để phục vụ công chúng ngoài rạp. Và điều quan trọng nhất của sự cộng hưởng này chính là sự bảo đảm tính nghệ thuật, sự hấp dẫn cho một bộ phim. Sự hấp dẫn làm nên doanh thu phòng vé, còn tính nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn trong phim. Mong rằng, điện ảnh Việt Nam sẽ tìm ra con đường tốt nhất cho hướng đi này.

VŨ THANH HOA

.
.
.