Không khoan nhượng những con tàu đen
TAND tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động (ngày 15/4) và tuyên phạt 2 bị cáo Phạm Ngọc Duy, Phan Minh Lý 7 năm tù vì hành vi đánh bắt hải sản trái phép. Phiên tòa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và quan điểm không khoan nhượng trong cuộc chiến chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).
Phạm Ngọc Duy và Phan Minh Lý bị kết tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Theo cáo trạng, Duy đã tháo thiết bị giám sát hành trình trên 2 tàu cá do mình quản lý, gửi sang các tàu do Phan Minh Lý quản lý. Hành vi này khiến cơ quan chức năng mất kiểm soát hoạt động tàu của Duy trong 1.337 giờ, gây khó khăn cho công tác chống khai thác IUU.
Phiên tòa thu hút đông đảo ngư dân đến dự, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Bản án cho những ngư dân như Duy và Lý là lời cảnh tỉnh cho những ai đang coi thường pháp luật. Là hồi chuông báo động về hệ lụy của hành vi bất chấp hậu quả, phạm pháp làm ảnh hưởng đối với ngành thủy sản và uy tín quốc gia.
Từ năm 2017, khi Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ cùng các địa phương ven biển, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Các quy định về chống khai thác IUU được siết chặt, ngư dân được hỗ trợ chuyển đổi phương thức đánh bắt bền vững. Công tác kiểm soát tàu cá được tăng cường. Thế nhưng, vẫn có những cá nhân cố tình vi phạm, bất chấp nỗ lực chung của cả nước.
Hành động của họ không chỉ là tội phạm về khai thác thủy sản mà còn là sự phản bội đối với hàng triệu ngư dân chân chính đang ngày đêm bám biển, tuân thủ pháp luật để góp phần gỡ “thẻ vàng”. Việc khai thác trái phép không chỉ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn khiến hình ảnh ngành thủy sản Việt Nam bị tổn hại, đe dọa nghiêm trọng đến xuất khẩu - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Là địa phương có ngư trường trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các quy định chống khai thác IUU. Tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào cảng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vụ án này cho thấy, luôn còn lỗ hổng để những “con tàu đen” hoạt động trên biển.
Hơn ai hết, ngư dân chính là những người cần hiểu rõ: Tuân thủ luật khai thác thủy sản không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cách bảo vệ chính tương lai của họ. Mỗi ngư dân phải ý thức được trách nhiệm của mình - không tham gia vào các hoạt động đánh bắt trái phép, không tiếp tay cho các chủ tàu bất chấp luật pháp vì lợi nhuận.
Việt Nam có tiềm năng thủy sản lớn, nhưng cũng đang đối diện thách thức cam go để phát triển bền vững. Giải pháp hàng đầu chính là tuân thủ nguyên tắc khai thác hợp pháp. Mức án 7 năm tù cho 2 bị cáo trong vụ án kể trên là một thông điệp mạnh mẽ: Nhà nước kiên quyết bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời bảo đảm công bằng cho ngư dân làm ăn chân chính.
Biển cả vẫn ngày đêm vỗ sóng. Ngư dân, muốn giàu lên từ biển, chỉ còn cách bớt đi vết dầu loang từ những “con tàu đen”.
HOÀNG NAM