.

Tiến về Sài Gòn

Cập nhật: 17:30, 11/04/2025 (GMT+7)

“Tôi đã quyết định rồi, 30 tháng 4 này, nhất quyết phải lên Sài Gòn, coi cho được lễ diễu binh mừng chiến thắng” - bạn tôi chia sẻ. Cái ý định của anh trúng phóc suy nghĩ của tôi. Mấy mươi năm mới có một lần, phải đi cho bằng được.

Chỉ nghĩ đến cảnh phi đội chiến đấu cơ gầm rú cách mặt sông Sài Gòn mấy trăm mét, trực thăng quân đội mang quốc kỳ Việt Nam bay trên bầu trời TP.Hồ Chí Minh và những đoàn diễu binh đều tăm tắp quanh hội trường Thống Nhất, cũng đã thấy hứng thú.

Dù có hay không một chiến lược truyền thông cho lễ diễu binh mừng chiến thắng ở TP.Hồ Chí Minh thì cũng phải thừa nhận, sự kiện đã lan tỏa với hiệu ứng mạnh mẽ trên mọi nền tảng.

Những khẩu đại bác; những năm thanh, nữ tú quân đội, công an, dân quân lên đường vào Nam; những giờ tập luyện bay trên bầu trời TP.Hồ Chí Minh… Mọi thứ rất chi tiết, từng bước hé mở đại lễ Kỷ niệm 50 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vô cùng trang trọng, hoành tráng - nơi thăng hoa của cảm xúc tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Nơi khẳng định tinh thần vượt qua mọi gian nan, thử thách.

Dù phía nửa kia trái đất, ngài Trump đang dựng ngược hàng rào thuế quan của cái gọi là “thuế đối ứng”, thì ở bên này, một dân tộc nhỏ bé luôn yêu chuộng hòa bình, tiến bộ và bình đẳng đang hướng về ngày đại lễ, ngày chiến thắng với thông điệp: trân trọng giá trị của quá khứ, để hướng tới tương lai tốt đẹp, ổn định và bền vững.  

Chắc chắn Sài Gòn sẽ bùng nổ trong đại lễ 30/4. Vì đến cả anh bạn của tôi, vốn rất lười di chuyển và đi du lịch cũng đã sẵn sàng rồi, thì cớ chi người khác không lên Sài Gòn. Chưa kể, thời gian gần đây, xu hướng du lịch quốc nội trong dịp các lễ đang trở thành xu hướng chủ đạo với khách du lịch nội địa.

Không phải vì người Việt đang trong xu hướng cắt giảm chi tiêu, mà bởi lẽ, sự thật, Việt Nam quê hương ta thiếu gì cảnh đẹp. Việt Nam quê hương ta thiếu gì cảnh hùng vĩ để đời. Việt Nam thiếu gì những vùng địa linh, nhân kiệt, các điểm về nguồn như những pho sử đồ sộ và quý giá.

Đâu phải ai cũng đã đi hết những nơi tuyệt vời của đất nước. Chỉ nói người dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu thôi, cũng chắc gì đã từng một lần được đặt chân đến Côn Đảo - nơi cả thế giới phải trầm trồ về thắng cảnh thiên nhiên, về di sản lịch sử.

Ấy nên trách nhiệm của các địa phương, của các cơ quan quản lý du lịch là kích hoạt truyền thông về điểm đến. Nhất là trong bối cảnh du lịch nội địa ngày một sôi động. Phải tạo hiệu ứng bùng nổ trên các kênh thông tin. Phải nghĩ đến việc tổ chức những sự kiện quy mô thật sự, hấp dẫn và có sức hút thật sự. Thậm chí là sự kiện mang tính bản sắc riêng của địa phương, theo kiểu: nghĩ đến pháo hoa nghệ thuật là phải nghĩ đến Đà Nẵng, nghĩ đến festival hoa là nghĩ đến Đà Lạt.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng có một sự kiện tầm cỡ và quy mô cấp quốc gia như lễ duyệt binh tới đây ở TP.Hồ Chí Minh. Nhưng sự kiện gắn liền với du lịch là xu hướng, là lợi thế hàng đầu trong thu hút khách nội địa.

HOÀNG NAM

 

.
.
.