Đặt trẻ vào trung tâm của yêu thương và bảo vệ
Các vụ bạo hành trẻ em cả thể chất lẫn tinh thần liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Điển hình như vụ bạo hành bé trai 20 tháng tuổi tại nhóm trẻ tư thục xảy ra mới đây ở xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bạo hành trẻ em không chỉ là những vết thương trên cơ thể mà còn để lại tổn thương tâm lý sâu sắc, dai dẳng. Những lời mắng chửi, đánh đập, dọa nạt hay thậm chí là bỏ mặc cũng đều là hình thức bạo hành. Trẻ bị bạo hành thường mất tự tin, dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách. Điều đáng buồn, nhiều vụ việc xảy ra ngay trong gia đình, nơi đáng lẽ phải là tổ ấm an toàn nhất cho trẻ.
Không ít trường hợp, bạo hành bị che giấu dưới danh nghĩa “dạy dỗ”, “răn đe”. Chính nhận thức sai lệch và sự vô cảm của một bộ phận phụ huynh, cộng đồng đã tạo nên vòng lặp bạo lực kéo dài, khó dứt.
Những năm qua, dù đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, từ Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình đến các chính sách bảo vệ trẻ em, nhưng thực tế cho thấy, khoảng cách giữa chính sách và thực thi vẫn còn lớn, và trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Do đó, để công tác phòng, chống bạo hành trẻ em hiệu quả đòi hỏi trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ trẻ em, trong đó, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có vai trò cụ thể. Gia đình phải là nơi đầu tiên và quan trọng nhất nuôi dưỡng yêu thương, dạy trẻ kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ. Nhà trường giáo dục học sinh về quyền trẻ em, tạo không gian thân thiện, an toàn. Mỗi hành động chăm sóc, lời động viên, lắng nghe trẻ đều là những “liều thuốc tinh thần” giúp trẻ lớn lên mạnh mẽ, tự tin và hạnh phúc.
Quan trọng hơn, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức bạo hành và khuyến khích tố giác kịp thời. Hệ thống tiếp nhận thông tin như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phải được phổ biến rộng rãi và hoạt động hiệu quả. Song song đó là việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về bảo vệ trẻ em, nhất là cấp cơ sở. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại, bạo hành trẻ, không để những vụ việc chìm vào im lặng.
Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một biểu hiện của lòng nhân ái. Hãy biến khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” thành hành động thực tiễn. Bởi một xã hội văn minh không chỉ phát triển về kinh tế mà còn lấy sự an toàn và hạnh phúc của trẻ em làm thước đo của tiến bộ.
TRIỆU VỸ