.

Đi viện không tốn tiền

Cập nhật: 17:33, 10/04/2025 (GMT+7)

Mới đây, ngày 8/4, trong buổi gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sẽ chú trọng phát triển y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.

Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc kể từ đầu năm học mới 2025-2026. Hai chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.

Giáo dục và y tế là những nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Thế nhưng, với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh còn hạn chế. Rào cản về học phí khiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng, tham gia sớm vào thị trường lao động để phụ giúp gia đình. Điều đó khiến họ mãi mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn: nghèo túng - thất học - nghèo túng.

Trong khi đó, chi phí khám, chữa bệnh lại là áp lực lớn với đại đa số người dân. Nhiều người có bệnh nhưng không dám đi khám hoặc đành sống chung với bệnh tật, chịu đựng cơn đau giày vò; nhiều cha mẹ phải nuốt nước mắt ôm con về vì không có tiền đóng viện phí. Nhiều gia đình có kinh tế khá giả nhưng cũng trở nên kiệt quệ vì có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, phải chữa trị lâu dài và tốn kém. Thực trạng này đã và đang tạo nên một bộ phận người dân có sức khỏe kém, mất khả năng lao động, làm suy giảm lực lượng lao động, gây áp lực lên phát triển kinh tế và an sinh xã hội của quốc gia, chưa kể về lâu dài còn có nguy cơ ảnh hưởng tới giống nòi dân tộc.

Do vậy, việc miễn học phí và viện phí toàn dân sẽ tạo ra sự bình đẳng xã hội, để mọi người đều có cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe như nhau. Khi không còn phải lo học phí và viện phí, người dân sẽ có điều kiện đầu tư thời gian, công sức và tài chính cho việc học tập nâng cao trình độ và yên tâm làm việc để thay đổi tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp chung vào sự phát triển xã hội.

Miễn học phí và viện phí không phải là chính sách lạ lẫm. Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển, nhất là ở châu Âu, đã thực hiện các chính sách này từ lâu. Thậm chí, một số quốc gia đang phát triển cũng đã và đang triển khai chính sách miễn viện phí một phần hoặc toàn phần như Cuba, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil…

Số tiền miễn học phí có thể tính toán được cụ thể và Chính phủ đã sẵn sàng bố trí ngay từ năm học tới. Trong khi đó, việc miễn viện phí đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, tính toán mang tính dài hơi hơn, nhưng không phải không có cơ sở. Nước ta đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm giảm nguồn chi thường xuyên cho bộ máy, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, từ đó có thêm nguồn chi cho phát triển con người, trong đó có việc miễn viện phí. Người dân mong chờ chủ trương này sớm được triển khai, đồng thời mong muốn chất lượng khám, chữa bệnh được bảo đảm theo hướng ngày càng tốt hơn, chứ không phải miễn phí thì chất lượng thấp.

Như vậy, cùng với các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng, xóa nhà dột nát, chính sách miễn học phí và tiến tới là miễn viện phí sẽ góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng một xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc, đáng sống như mục tiêu Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Những chính sách này ngày càng củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào chế độ.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.