.

Giảm lệ thuộc, đa dạng hóa thị trường

Cập nhật: 17:02, 08/04/2025 (GMT+7)

Câu chuyện bên ly cà phê cuối tuần qua của nhóm lãnh đạo DN xoay quanh chủ đề thời sự nóng hổi, đó là việc Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước mắt, sự tác động thấy rõ nhất là mã chứng khoán của một số DN giảm điểm sâu. Về lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, dệt may, da giày, thủy sản…

Nhiều DN cũng bày tỏ sự lạc quan khi các lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước ngay lập tức đã vào cuộc, thương thảo về thuế quan với Hoa Kỳ đã mang lại nhiều kỳ vọng cho giới DN. Đó là chỉ ít giờ sau tuyên bố áp thuế từ phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, thông tin này cũng tiếp thêm niềm tin với cộng đồng DN. Mới đây nhất ngày 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các bộ ngành, 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, DN để chủ động thích ứng tình hình mới về thương mại quốc tế.

Ở chiều ngược lại, các DN cũng sẵn sàng tâm thế chủ động thích ứng, linh hoạt các giải pháp ứng phó. Lãnh đạo một DN ngành dệt may xuất khẩu cho hay, dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhưng từ nhiều năm nay, DN này cũng chuyển hướng tiếp cận và mở rộng sang một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối EU, châu Mỹ… “Hiện nay chúng tôi đang chờ đợi kết quả đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, tinh thần vẫn là sẵn sàng chuẩn bị ứng phó, trước mắt là tập trung nhiều hơn và thị trường mới để từng bước giảm lệ thuộc vào Hoa Kỳ”, lãnh DN này chia sẻ.

Theo phân tích của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch. Dù đang là lợi thế nhưng DN còn nhiều cơ hội để khai thác những thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo DN xuất xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đặc biệt là 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Cụ thể, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt – EU) đã giúp xuất khẩu sang EU phục hồi mạnh mẽ, đạt gần 51,6 tỷ USD năm 2024, tăng 18,3%. Hay với CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mở ra cơ hội tại các thị trường như Canada, Mexico, Peru, trong đó Canada đang nhập khẩu nhiều đồ điện tử, dệt may từ Việt Nam nhờ thuế suất 0%. FTA với UAE cũng sắp hoàn tất, mở ra cánh cửa cho nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng vào thị trường tiềm năng Trung Đông.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, DN cần phải giảm lệ thuộc một thị trường, linh hoạt, đa dạng hóa thị trường, đề phòng các thay đổi về xu hướng bảo hộ, hay việc tăng cường rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại… Đặc biệt, “sân nhà” cũng rất tiềm năng với 100 triệu dân, nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ được triển khai sẽ giúp DN đẩy mạnh sức tiêu thụ, cạnh tranh ở thị trường nội địa.

NGÔ GIA

.
.
.