.

Một triệu tiền nhà, ba triệu tiền ăn

Cập nhật: 17:33, 07/07/2024 (GMT+7)

“Một triệu tiền nhà, ba triệu tiền ăn” là cách nói vắn tắt đối với 2 nhu cầu cơ bản nhất của một người về ăn, ở. Trên thực tế, đây cũng chỉ là mức chi tiêu trung bình, vì 1 triệu, bây giờ đi thuê nhà ở thành phố cũng khó, mà 3 triệu thì ăn uống tằn tiện lắm mới đủ. 

Để tồn tại, mỗi người đâu chỉ có 2 nhu cầu cơ bản này. Còn phải lo những nhu cầu khác, không có cũng không được: tiền thuốc men khi đau ốm, xăng xe đi lại, học hành, giải trí. Với người đã đủ tuổi lao động cũng không thể không tính đến chăm lo con cái, gia đình… Nói chung là đủ thứ để lo.

Liệt kê ra như vậy để thấy, mức thu nhập trung bình của người lao động hiện nay trong cả nước mới chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu cơ bản. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập đã có tăng trưởng so với cùng kỳ 2023 (tăng 7,4%).

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đáng chú ý, mức tăng của một số mặt hàng gần gấp đôi mức tăng của thu nhập bình quân: lương thực tăng 15,76%; giá điện tăng 9,45%; nước sinh hoạt 10,15%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.

Kể từ 1/7, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh và người lao động (cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động) được thụ hưởng mức tăng lương tức thời (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng). Lương cơ sở tăng, kéo theo, mức lương tối thiểu vùng trong cả nước tăng từ 6% đến 20%. Đây là niềm vui với hàng chục triệu người lao động, cán bộ công chức, viên chức.

Làm công, hưởng lương, ai cũng chờ mong tăng lương. Và mức tăng lương cơ sở được phê chuẩn ở kỳ điều chỉnh lần này lên đến 30% là nỗ lực rất lớn của nước ta trong lộ trình cải cách tiền lương, cũng là tỷ lệ tăng cao nhất từ trước đến nay ở một kỳ điều chỉnh lương cơ sở. 

Tuy nhiên, cùng với niềm vui lương tăng, lại kèm theo nỗi lo giá cả leo thang. Đó là 2 mặt trái ngược nhưng song hành. Từ trước đến nay, mỗi lần lương tăng thì giá tăng. Dẫn đến hiệu quả của chính sách tiền lương chưa cải thiện nhiều chất lượng cuộc sống người lao động. Lương tăng trong chừng mực, giá tăng thì trăm loại cùng tăng. 

Do đó, cùng với tăng lương, để hạn chế tình trạng “một đồng vào, hai đồng ra”, bài toán giữa thu nhập - chi tiêu phụ thuộc rất nhiều vào chính sách kiềm chế lạm phát tới đây của Chính phủ. Trong đó, có việc hạn chế điều chỉnh các loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý vào cùng một thời điểm và lại càng không nên dồn việc điều chỉnh vào các tháng cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

HOÀNG NAM

 

.
.
.