.

Trưởng thành để mọi thứ… bé lại

Cập nhật: 17:26, 09/06/2024 (GMT+7)

Tôi đã đọc đâu đó, một ý niệm về sự trưởng thành. Ta vẫn nghĩ, trưởng thành rồi mọi thứ phải lớn lên. Ý tưởng phải lớn lên, suy nghĩ phải lớn lên, hành động cũng phải lớn lên… Sự trưởng thành thật sự nên như vậy. Nhưng trưởng thành, đôi khi, cũng để thấy nhiều việc trở nên bé lại.

Nghe có vẻ ngược đời. Nhưng có nhiều chuyện là như vậy. Hồi bé, mỗi lần lỡ tay rơi vỡ một chiếc bát, trong mắt một đứa trẻ, chuyện đó thật ghê gớm. Lớn hơn một chút thì thấy làm vỡ một chiếc bát chỉ là chuyện nhỏ. Còn chẳng đáng để lưu tâm. Có chăng chỉ là dọn dẹp để mảnh rơi vỡ không làm mình và người khác bị thương.

Hồi đi học, thấy mình điểm thấp, đứng ở vị trí áp chót bảng xếp hạng, thì thấy việc đó nghiêm trọng lắm. Ra trường đi làm, thì thấy chuyện học xưa kia cũng bé lại lúc nào, tựa như gió thoảng, mây trôi.

Lúc trước, từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội hơn 1.600 cây số thì thấy là xa. Từ TP.Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu 100 cây số mới là gần. Bây giờ, từ TP.Hồ Chí Minh đi Hà Nội có khi chỉ chưa đến vài tiếng đồng hồ, mà từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu có khi lại mất đến 3, 5 tiếng. Có những chuyện phải trải nghiệm mới thấy hết bản chất.

Cho nên trưởng thành, trong nhiều việc không phải là nhìn mọi thứ lớn lao, to tát, vĩ đại và phức tạp hơn. Trưởng thành cũng không phải là để cầu mong cho mọi thứ bé lại. Trưởng thành đơn giản để năng lực, suy nghĩ và những gì trải nghiệm giúp chúng ta nhìn mọi thứ bé hơn, xử lý những vấn đề trở nên đơn giản. Khi đã thấy việc bé lại rồi, thì không để cho việc bé thành việc to, phức tạp hóa mọi chuyện, để không làm vướng bận đến cuộc sống, tâm lý, đảo lộn công việc.

Mấy ngày qua, sau kỳ thi lớp 10 vào trường công lập trên cả nước, nhiều người chia sẻ quan điểm, bây giờ kỳ thi của các em áp lực quá. Thi vào lớp 10 mà căng thẳng hơn các kỳ thi đại học. Trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh nhiều học sinh bước ra khỏi phòng thi khóc mướt, có em gần như suy sụp. Cha mẹ an ủi, vỗ về vẫn khóc mãi không thôi.

Cũng chẳng trách các em được, vì dù sao, cũng chưa ở tuổi trưởng thành. Với các em, điểm số vẫn là những gì vô cùng quan trọng, là thước đo của năng lực, là cánh cửa của tương lai phía trước. Giọt nước mắt ấm ức vì không làm được bài, vì mất điểm số ngớ ngẩn, vì vuột mất cơ hội - nếu có cũng chẳng trách được.

Nhưng với người lớn thì lại khác. Sau một kỳ thi áp lực của các em, điều quan trọng của người lớn là giúp các em thảnh thơi, trút bỏ được những áp lực, bằng sự trưởng thành của lớp người đi trước. Phụ huynh, giáo viên phải nhìn nhận mọi thứ bằng trải nghiệm sống và nhận thức của một người trưởng thành, giúp con em nỗ lực hết sức trong học tập, nhưng cũng giúp các em nhìn thấy chuyện đã qua như gió thoảng, mây trôi.

HOÀNG NAM

.
.
.