.

Cái chết của bé trai 5 tuổi và lỗ hổng quy tắc

Cập nhật: 17:51, 30/05/2024 (GMT+7)

Bất cứ nghề nào, dù đơn giản đến mấy cũng cần quy tắc. Vượt ra khỏi quy tắc, hoặc xem nhẹ thiết lập quy tắc sẽ phải lãnh hậu quả nhất định. Nhẹ thì làm hỏng công việc, phí công, phí của. Nặng có thể dẫn đến sự cố tai hại.

Đọc tin tức về bé trai 5 tuổi ở xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình tử vong vì bị bỏ quên 11 tiếng trên xe ô tô đưa rước, một người lái xe đưa đón học sinh chia sẻ công việc của mình: “Tôi lái xe đưa đón học sinh hàng ngày. Trên xe phải có một quản sinh nữa. Buổi sáng rất quan trọng, vì các cháu hay ngủ trên xe. Khi xe đến trường, xuống xe, quản sinh phải đi từng hàng ghế kiểm tra. Việc này để tránh bỏ sót học sinh ngủ quên trên xe. Sau đó, tôi lại đi một lượt, vừa vệ sinh xe, kiểm tra an toàn và rà soát lại xem, còn học sinh nào ở trên xe không. Phải hình thành thói quen đó, mới làm nghề này được”.

Nếu những người làm nghề đưa đón học sinh có thói quen tốt như bác tài nói trên, chắc hẳn đã không có tai họa xảy đến với bé trai 5 tuổi. Công việc bình thường mà người tài xế liệt kê ra chính là quy tắc của nghề này. Và để phòng tránh các sự cố tương tự, với những người hành nghề đưa rước học sinh, chỉ cần từng đó quy tắc là đủ.

Đáng tiếc, đây không phải là sự cố đầu tiên. Cách đây 4 năm, vào tháng 8/2019, một học sinh lớp 1 Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Hà Nội đã tử vong vì bị bỏ quên 10 tiếng trên ô tô đưa rước của trường.

Đưa rước học sinh là nghề đặc thù và sự an toàn của hoạt động này đang là mối quan tâm của xã hội. Không phải cứ có xe tốt, có tài xế giỏi là có thể tham gia hành nghề. Cần có thêm quy tắc, quy định và đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, có thể tiến tới luật hóa những quy tắc này để có thể áp dụng chung. Vì thực tế, sau 4 năm từ sự cố đau lòng tại Gateway, nhiều trường học đã thức tỉnh, xây dựng quy tắc về kiểm soát hoạt động đưa rước học sinh. Nhưng chính vì nơi làm, nơi không, nên sự cố lại thêm một lần nữa xảy ra. Tất cả đều chung một lý do: tài xế không kiểm tra, giáo viên không hành động khi phát hiện vắng học sinh.

Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động đưa đón học sinh được quy định nghiêm ngặt. Tại bang New Jersey, Hoa Kỳ, luật pháp quy định, tài xế lái xe đưa rước học sinh bắt buộc phải kiểm tra xe trước khi rời đi. Tại bang California, thậm chí các xe đưa rước học sinh phải lắp thêm nút bấm ở cuối xe. Tài xế rời cửa, kiểm tra xe và bấm nút bấm khi hoàn thành công việc. Nếu tài xế không bấm nút, sẽ có phản hồi ngay sau đó đến trường học. Tại Hàn Quốc, hệ thống kiểm tra học sinh được lắp đặt trên xe và tài xế cũng phải kiểm tra toàn bộ xe trước khi rời đi. Ở Australia, công nghệ cảm ứng thông minh được lắp đặt trên xe để giám sát việc lên, xuống xe của học sinh. Tương tự, ở UAE hệ thống cảm biến thông minh sẽ cảnh báo lập tức khi học sinh và đồ đạc của học sinh bỏ quên trên xe…

Sau sự việc đau lòng xảy đến với bé trai 5 tuổi ở Thái Bình, cơ quan công an đã khởi tố vụ án và tiến hành điều tra. Và dù ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đi nữa, thì việc vá lỗ hổng về quy tắc của hoạt động đưa rước học sinh là chuyện không thể không làm ngay.

HOÀNG NAM

 

.
.
.