Để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng
Tại phiên họp ngày 5/6 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chất vấn về nội dung phát triển hoạt động du lịch. Trong đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc Việt Nam có hơn 40.000 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích, danh lam thắng cảnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngành du lịch nước ta đang thiếu sản phẩm du lịch. Đây cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, nhất là với các tỉnh thành có thế mạnh về du lịch như Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, nhưng lại thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Hiểu được điều đó, thời gian gần đây, một số địa phương đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc của địa phương. Chẳng hạn, huyện Long Điền có lễ hội Dinh cô Long Hải, Chợ Quê An Nhứt; TP.Vũng Tàu có lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được nâng tầm thành lễ hội carnaval hoành tráng… đều là những sản phẩm du lịch tạo được dấu ấn, điểm nhấn cho du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, so với tiềm năng thì các sản phẩm du lịch đặc trưng được tạo ra chưa nhiều, và chủ yếu dựa vào thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có. Trong khi du khách hiện nay, nhất là khách ngoại quốc ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm, hướng đến những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi) ở điểm đến. Họ không chỉ muốn tham quan mà còn muốn trải nghiệm những đặc điểm riêng biệt về cuộc sống và văn hóa của người dân địa phương. Vì vậy, việc lồng ghép các giá trị văn hóa, thiên nhiên của riêng Việt Nam vào các trải nghiệm du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách là điều đáng quan tâm.
Ở tầm vĩ mô, tại phiên họp Quốc hội ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng xác định, hiện nay nước ta có 4 sản phẩm về du lịch là: biển đảo, văn hóa, sinh thái, đô thị. Bộ VHTTDL cũng đang đề xuất thêm một loại sản phẩm mới, đó là sự kiện văn hóa để thu hút thêm khách du lịch.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong thời gian tới, cần phát huy tốt các giá trị văn hóa nghệ thuật để phục vụ phát triển du lịch của địa phương và phân bổ các nguồn thu tại các di tích văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể liên quan phát triển các sản phẩm du lịch, đầu tư nguồn nhân lực. Bởi không phải ở di tích, di sản nào cũng có thể làm được mà phải lựa chọn trong quá trình hoạch định chính sách.
Bộ trưởng nhấn mạnh, rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này. Kinh nghiệm này như Sungroup hoặc Vingroup chẳng hạn, có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan của họ là làm đẹp những vùng đất, cho nên có những sản phẩm độc đáo.
NGUYỄN THI