.

Bất an với quảng cáo 'thổi phồng' thực phẩm chức năng

Cập nhật: 19:02, 06/06/2024 (GMT+7)

Hơn 20% dân số nước ta đã và đang sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN)- một tỷ lệ khá cao, nhất là từ sau đại dịch COVID-19 đến nay. Điều đó nói lên những lợi ích mà TPCN mang lại trong việc hỗ trợ sức khỏe đối với người tiêu dùng.

Nhưng, chính sự tăng nóng của thị trường TPCN, sự ngộ nhận “TPCN cũng là thuốc” của một bộ phận không ít bệnh nhân… tạo cơ hội cho ma trận quảng cáo “thổi phồng” nở rộ và những người kinh doanh TPCN trục lợi bất chính những người tiêu dùng cả tin.

Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin quảng cáo về TPCN với những lời tán dương về tác dụng “thần kỳ” của sản phẩm. Chỉ cần một thao tác giản đơn trên facebook, youtube, zalo… người tiêu dùng không khó để tìm kiếm những loại TPCN đang được ưa chuộng, với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo từng cơ sở phân phối. Tất cả đều được quảng cáo là hàng chính hãng, hàng xách tay do “người nhà” mang về (như: vi cá mập, viên bổ não, sụn khớp, collagen chống lão hóa da…). Muốn mua bao nhiều cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ…

Không những thế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN còn giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi, hoặc cắt ghép hình ảnh nhãn hàng với các bác sĩ chuyên ngành của bệnh viện lớn… để quảng cáo sai lệch về sản phẩm. Cùng với đó, có thêm nhiều nghệ sĩ vào vai bệnh nhân, xuất hiện trong các video clip quảng cáo công dụng “cứu tinh”, “thần dược” của TPCN, gây bức xúc trong dư luận và sự bất an đối với người tiêu dùng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng quảng cáo “thổi phồng” trên thị trường TPCN, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, chủ yếu do giai đoạn vừa qua việc quản lý mặt hàng TPCN còn bị buông lỏng, công tác thanh tra, kiểm tra chưa bắt kịp với diễn biến của thị trường. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe đối với những DN, cơ sở sản xuất TPCN kém chất lượng.

Tuy đã có một số văn bản về quản lý nội dung, hình ảnh quảng cáo TPCN, nhưng do việc áp dụng và thi hành vẫn chưa thực sự quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Nguy hại hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua các thiết bị điện tử với những thông tin không đúng sự thật đang diễn ra khá phổ biến.

Các loại TPCN được quảng cáo bị “thổi phồng” so với công dụng, hiệu quả thực tế của sản phẩm; thậm chí, còn “nâng tầm” TPCN thành “thuốc chữa bệnh” kể cả với bệnh nan y, mãn tính.

Thực trạng quảng cáo “thổi phồng” nhức nhối này trên thị trường không chỉ gây ra hậu quả tiền mất, tật mang đối với người tiêu dùng, mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN; đánh đồng vàng thau lẫn lộn giữa các DN sản xuất, kinh doanh chân chính với các cơ sở làm ăn gian dối và cào bằng chất lượng giữa sản phẩm chính hãng với hàng hóa giả mạo.

Mới đây, ngày 29/5, tại cuộc tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo TPCN”, Phó giáo sư, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cũng đã chỉ ra 4 vi phạm đạo đức trong quảng cáo TPCN hiện nay. Đó là: Quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bị bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, mãn tính…).

“Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN” do Hiệp hội TPCN Việt Nam ban hành ngay sau tọa đàm, là giải pháp cần thiết, kịp thời trong thời điểm này, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn ngừa các vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN.

Để người tiêu dùng không bị lừa gạt, an tâm với việc sử dụng các loại TPCN, việc kiểm soát hiệu quả quảng cáo TPCN phải được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Trong đó, cần rà soát lại quy trình cấp phép quảng cáo các loại TPCN, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các DN sản xuất, kinh doanh TPCN; kịp thời công khai các cơ sở vi phạm, kể cả các trang điện tử vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh chống các vi phạm về quảng cáo TPCN, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của người tiêu dùng, như: phối hợp với các cơ quan chức năng “điểm tên” cơ sở vi phạm; không mua TPCN khi thực sự không cần thiết; chủ động tìm hiểu sản phẩm TPCN trên các trang thông tin chuyên môn của ngành y tế…

HOÀNG LÊ

.
.
.