Để rừng được phục hồi
Đi trên con đường xuyên qua cánh rừng Bình Châu-Phước Bửu, tôi cảm thấy bầu không khí trong lành, mát mẻ đến lạ thường. Tôi hít một hơi thật sâu để tận hưởng nó, hít hà mùi tươi nguyên của rừng. Cảm giác thật thư thái, nhưng lòng lại chợt xót xa khi nghĩ tới những khu rừng nguyên sinh như vậy không còn nhiều. Đây có lẽ là một trong số ít khu rừng nguyên sinh ven biển còn lại được bảo tồn tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nhiều loài động, thực vật quý hiếm của khu rừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Việt Nam vốn được mệnh danh là “rừng vàng, biển bạc”, thế nhưng tính đến năm 1990, tỷ lệ độ che phủ rừng của Việt Nam chỉ có 28%. Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng độ che phủ rừng lên 42%, nhưng vẫn thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, diện tích rừng trồng của Việt Nam là 4,3 triệu ha nhưng chủ yếu là cây keo, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém.
Rừng trồng không bền vững, trong khi rừng nguyên sinh lại đang trên bờ vực tuyệt chủng. Ấy vậy mà vẫn có những nơi, những doanh nghiệp nhăm nhe “băm nát” rừng để làm khu nghỉ dưỡng. Thậm chí, có doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng còn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho chuyển đổi 5,3ha rừng thông ba lá để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Rừng bị tàn phá kéo theo những hệ lụy khôn lường như: tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Có những nơi vốn là cao nguyên như TP.Đà Lạt những năm gần đây thường xuyên xảy ra ngập lụt khi mưa lớn. Đó là hậu quả từ việc phát triển thiếu quy hoạch để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh.
Trong kỳ họp Quốc hội ngày 30/5 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề bảo vệ môi trường. Đây cũng là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội sẽ thực hiện trong năm 2025. Để thấy rằng vấn đề môi trường đang rất được quan tâm, luôn làm “nóng” nghị trường vào mỗi kỳ họp Quốc hội.
Các đại biểu cho rằng việc Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành vào thời điểm này sẽ thể hiện sự đồng hành với Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, của mỗi người dân để bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, việc này cũng bước đầu thể hiện sự quyết tâm với cộng đồng quốc tế như đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, điểm quan trọng để hạn chế việc phát thải ròng là ngăn chặn tình trạng phá rừng và tiếp tục phục hồi phủ xanh những khu vực đã bị tàn phá, những khu đất trống, đồi trọc. Bởi rừng là “lá phổi xanh” hấp thụ phần lớn CO2 trong không khí, giảm lượng lớn phát thải ròng, giúp làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.
Một chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về bảo vệ môi trường sẽ có tác động rất lớn để nhìn nhận, đánh giá toàn diện về công tác quản lý nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, hoàn thiện pháp luật môi trường, hoạch định các chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường trong tương lai.
NGUYỄN THI