.

Vì một môi trường không khói thuốc

Cập nhật: 16:21, 31/05/2024 (GMT+7)

Sau 11 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, Báo cáo kết quả 10 năm thi hành luật này nêu rõ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng giảm, trong đó, nhóm 13-17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).

Tuy nhiên, hành vi hút thuốc lá vẫn còn khá phổ biến trong các công sở, hàng quán, công viên, thậm chí nhiều người vừa điều khiển xe máy trên đường, vừa hút thuốc. Hành vi hút thuốc lá được thực hiện một cách thản nhiên, kể cả trước mặt trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Người xung quanh bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, dù rất khó chịu nhưng vì tâm lý e ngại nên gần như không ai lên tiếng để bảo vệ sức khỏe của mình. Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng rất hiếm khi xuất hiện để nhắc nhở, xử phạt người vi phạm.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31/5) được tổ chức hôm 26/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế. Tổng chi phí khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 ngàn tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho thấy, mỗi năm thế giới có hơn 8 triệu ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Vì sao thuốc lá có nhiều tác hại như thế nhưng nó vẫn được nhiều người hút?

Người hút thuốc viện dẫn nhiều lý do: hút để có tinh thần sảng khoái, minh mẫn; hút thuốc cho đỡ buồn, hút thuốc để thể hiện mình... Ở Việt Nam, thuốc lá được bày bán khắp nơi, từ gánh hàng rong, tủ thuốc ven đường đến tiệm tạp hóa, siêu thị. Pháp luật nghiêm cấm hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi nhưng thực tế trẻ em cũng dễ dàng mua và sử dụng thuốc lá. Hơn nữa, giá thuốc lá ở nước ta còn khá rẻ nên ai cũng có thể mua, không mua được nguyên bao thì mua lẻ vài điếu.

Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là mặt hàng còn đang bỏ ngỏ, chưa được đưa vào luật để kiểm soát, trong khi tỷ lệ người trẻ sử dụng ngày càng gia tăng. Thống kê cho thấy, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Nhận thấy rõ vấn đề này, trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội sửa ngay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Nhiều năm qua, vấn đề kiểm soát, hạn chế tác hại của thuốc lá đã được các chuyên gia tha thiết kiến nghị. Phát biểu tại lễ mít tinh nói trên, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng đáng kể thuế thuốc lá nhằm giúp thanh niên Việt Nam tránh được tác hại của việc sử dụng thuốc lá suốt đời. Bà Angela Pratt cho rằng thực hiện 2 hành động: Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các Mục tiêu phát triển bền vững.

Vì một môi trường trong lành, không khói thuốc, vì sức khỏe, cuộc sống của hàng triệu người hiện nay và vì giống nòi tương lai, cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.