.

Dự phòng mưa bão

Cập nhật: 17:09, 16/06/2024 (GMT+7)

Năm 2024, 2 hiện tượng thời tiết trái ngược là El Nino và La Nina dự báo sẽ tác động mạnh với điều kiện thời tiết khí hậu ở nước ta. El Nino là hiện tượng thời tiết phát sinh từ quá trình bề mặt Thái Bình Dương gần xích đạo nóng lên một cách dị thường. Đối với nước ta, El Nino chủ yếu gây ra khô hạn và thời tiết nóng bức.

La Nina xuất hiện khi bề mặt Thái Bình Dương lạnh đi một cách dị thường. Ngược lại với El Nino, ở nước ta, La Nina gây ra các đợt mưa, bão nặng nề.

Theo dự báo, những tháng tiếp theo, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với trạng thái thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina. Trong năm nay, sẽ có khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 đến tháng 11).

Khi xuất hiện La Nina (tỷ lệ dự báo lên tới 75%), mưa sẽ nhiều hơn so với các năm. Riêng khu vực Nam Bộ, cao điểm mùa mưa sẽ vào khoảng tháng 9, tháng 10 và cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Mấy ngày qua, sau đợt năng nóng kéo dài, với nền nhiệt cao do ảnh hưởng từ El Nino, những cơn mưa đầu mùa xuất hiện và ngay lập tức làm các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ chật vật ứng phó. Các đô thị lớn đều chịu cảnh phố biến thành sông. Nặng nề nhất vẫn là khu vực TP. Hồ Chí Minh, vốn luôn chịu cảnh ngập lụt do hạ tầng thoát nước yếu kém.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dù chưa xuất hiện ngập lụt nặng nề, nhưng qua mấy cơn mưa đầu mùa, các điểm ngập úng đã tái diễn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có không dưới 20 khu vực sẽ rơi vào trạng thái dễ bị ngập lụt khi mưa lớn, kéo dài. Trong đó, riêng TP.Vũng Tàu đã có hơn 17 điểm, TP. Bà Rịa có khoảng 4-5 điểm và TX. Phú Mỹ có khoảng 1-2 điểm, tập trung dọc QL51.

Nhưng vấn đề lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm nay không phải là việc mưa to hay nhỏ, mưa ít hay nhiều. Quan ngại nhất là kế hoạch ứng phó với tình trạng ngập lụt vẫn đang dang dở (vì khâu quan trọng nhất lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước cho 5 năm tới, đến nay vẫn chưa xong, dự kiến vẫn phải chờ đợi hoàn tất các thủ tục đấu thầu).

Do chưa có nhà thầu chính thức, đến nay, toàn bộ công việc nạo vét, giải phóng rác thải ứ đọng để xử lý chống ngập ở các ao hồ, kênh rạch thoát nước chưa được thực hiện. Được biết, việc phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh có thể sẽ kéo dài đến tháng 7/2024. Rồi từ tháng 7, sau khi có nhà thầu, để tiến hành nạo vét, xử lý chống ngập, lại mất thêm khoảng 4 tháng. Tức là, nếu các thủ tục được không phát sinh rắc rối gì, thì việc triển khai chống ngập cũng phải đến gần hết mùa mưa mới xong.

Mọi năm mưa lớn, ra đường người dân sẽ gặp những công nhân Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam (BUSADCO) - đơn vị được chọn thầu - túc trực giải phóng rác thải, khơi thông dòng chảy ở các điểm ngập úng cục bộ. Mùa mưa năm nay, qua vài lần ngập, chưa thấy bóng ai.

 Mưa sẽ không ngừng rơi. Kế hoạch chống ngập lại chưa tới. Dù là chuyện cho 5 năm, hay chuyện cho 1 năm, thì lúc này đây, khi cao điểm mưa bão đang đến gần, điều cần có, ít nhất phải là một kế hoạch dự phòng. Nếu không, ngập lụt sẽ biết cậy ai?

HOÀNG NAM

.
.
.