.

Giữ lấy san hô Côn Đảo

Cập nhật: 16:33, 14/06/2024 (GMT+7)

Gần 1 tháng qua, 8 điểm rạn san hô xuất hiện hiện tượng san hô bị tẩy trắng ở phía Đông Nam và Tây Bắc Côn Đảo, nhiều nơi san hô bị tẩy trắng 80-100%.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng san hô tẩy trắng tại Côn Đảo là do sự gia tăng nhiệt độ nước biển trên 30 độ C. Đây là tai biến thiên nhiên đã được Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo xảy ra trên quy mô toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2024.

Đến thời điểm hiện tại, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo là 32 độ C, nếu nhiệt độ nước biển tại các rạn san hô không giảm thì diện tích san hô chết sẽ rất lớn.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên việc phục hồi rạn san hô là rất khó khăn. San hô trên rạn mới bị tẩy trắng, khả năng phục hồi còn yếu, việc tách mảnh tập đoàn san hô bố mẹ để lấy giống phục hồi sẽ làm tập đoàn bố mẹ bị suy yếu, tỉ lệ sống của các mảnh san hô phục hồi sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, do đặc điểm sinh học tăng trưởng chậm, mỗi năm loài san hô này chỉ tăng khoảng một cm, để chúng trưởng thành như các rạn san hô hiện tại có thể kéo dài cả chục năm.

Biện pháp trước mắt có thể làm là "cô lập" mọi hoạt động có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sống của loài san hô Côn Đảo. Vườn Quốc gia Côn Đảo đã kiến nghị UBND tỉnh trong thời gian 3 tháng sau khi tẩy trắng, cần giảm tải các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch bơi ngắm san hô, xả thải từ đất liền tại các vùng rạn quan trọng trong các phân khu chức năng bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Côn Đảo…

Lấy bài học ở vịnh Nha Trang, sau mấy chục năm mở cửa du lịch toàn dân khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang), san hô ở đây đã không còn. Để thấy rằng, cần quyết liệt hơn trong việc kiểm soát các hoạt động có thể tác động đến môi trường sống của san hô, đặc biệt là trong điều kiện san hô đang bị suy yếu do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học trên thế giới, cách duy nhất để bảo vệ các rạn san hô là ngăn chặn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm tại các địa phương và hạn chế khai thác bờ biển.

Các nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị về việc không nên cho du lịch toàn dân ra lặn xem sinh vật cảnh bởi vì đa số không biết cách tránh né bảo vệ san hô khi lặn xuống biển. Ở một số quốc gia như Úc, chỉ những người có chứng chỉ về lặn biển mới đến xem san hô, và phải đóng mức phí cao 250 USD/lần lặn.

Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực tài chính để người dân địa phương thay đổi sinh kế, giảm tối đa các hoạt động đánh bắt trong các khu bảo tồn; quản lý nghiêm ngặt việc tổ chức hoạt động du lịch; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát, quản lý hoạt động bảo tồn biển, bảo tồn rạn san hô… Về mặt xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng khắp về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong bảo vệ rạn san hô.

NGUYỄN THI

 

.
.
.