.

Đồng hành lâu dài với hộ khó

Cập nhật: 17:54, 10/06/2024 (GMT+7)

Bà Thu đã 68 tuổi, là hộ neo đơn. Năm 2023, bà vừa thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và hội, đoàn thể. Bà Thu không chỉ được nhận trợ cấp từ nguồn bảo trợ xã hội mà còn được hỗ trợ từ nhà hảo tâm mỗi tháng 10kg gạo, sau khi đã nhận bàn giao căn nhà đại đoàn kết. Thẻ BHYT của bà cũng được tặng bởi Hội Người cao tuổi địa phương từ nguồn vận động.

Thực chất, bà Thu thoát nghèo hoàn toàn từ nguồn hỗ trợ theo phương thức xã hội hóa, do bà đã hết tuổi lao động, không còn khả năng tạo thu nhập để tự nuôi sống bản thân. Về phương diện nào đó, để thoát nghèo bền vững, bà Thu phải dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của các nguồn lực đến cuối đời.

Ở nhiều địa phương, trong đó có vùng xa, vùng nông thôn, những trường hợp như bà Thu không phải hiếm gặp. Thậm chí, có những hoàn cảnh dù đang trong độ tuổi lao động nhưng vẫn rất khó thoát nghèo, hoặc nhanh chóng tái nghèo nếu không được sự hỗ trợ dài lâu của chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Vì nhiều lý do, như thành viên trong hộ mắc bệnh nan y, không có việc làm ổn định, không có đất sản xuất, không có sinh kế... để tạo nguồn thu nhập ổn định thì việc vươn lên thoát nghèo là rất khó khăn.

Chính vì vậy, công tác giảm nghèo của địa phương phải luôn được chú trọng, hoạt động trong trạng thái cường độ cao để bảo đảm có nguồn lực mạnh đủ sức đồng hành với các hộ khó khăn, hộ nghèo và hộ vừa thoát nghèo. Đặc biệt, đừng vì thành tích giảm sâu hộ nghèo mà làm mất đi cơ hội được tiếp cận, hưởng thụ chính sách ưu đãi đặc thù dành cho họ. Trong đó có việc được hỗ trợ nguồn vốn vay, sinh kế, BHYT và các chính sách ưu đãi khác nhằm bảo đảm cuộc sống cơ bản cho hộ nghèo như điện, nước, hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo... Thực tế cũng cho thấy, không thể đạt được tỷ lệ hộ nghèo bằng 0% bởi những yếu tố khách quan.

Do đặc thù là địa phương thu hút đông lao động nhập cư, lao động theo thời vụ, Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là "điểm đến" của người dân khắp các vùng miền trong cả nước để mưu sinh. Điều đó đồng nghĩa với việc các cấp chính quyền, hội, đoàn thể phải có tâm thế sẵn sàng có giải pháp can thiệp, hỗ trợ hộ nghèo phát sinh mới từ nguồn lao động nhập cư và hộ tái nghèo vì nhiều nguyên nhân khác.

Từ nhiều năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá cao khi thành lập và hoạt động hiệu quả Quỹ An sinh xã hội. Song song với nguồn lực này, các hội, đoàn thể cũng duy trì nhiều nguồn vận động khác để chung tay làm tốt công tác giảm nghèo. Mỗi năm Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hàng chục tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa để chăm lo cho hộ nghèo, hỗ trợ hộ không còn khả năng thoát nghèo bảo đảm cuộc sống.

Giảm nghèo là hoạt động mang tính chất dài hơi, kể cả khi đã "về đích" sẽ lại phát sinh thách thức mới. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân để không sa vào tình cảnh nghèo đói của các hộ dân, chính quyền các cấp phải luôn coi công tác giảm nghèo là cực kỳ quan trọng, không mắc "bẫy" thành tích để đồng hành với công tác này dài lâu.

TIỂU CƯỜNG

.
.
.