Biểu tượng du lịch cho thành phố
Trong chuyến tham quan Phú Yên cuối tháng 4 vừa qua, ngoài những danh thắng nổi tiếng của địa phương này như ghềnh Đá Đĩa, tháp Nhạn thì chúng tôi được đồng nghiệp giới thiệu một điểm “check-in” mới không thể không ghé qua. Đó là tháp Nghinh Phong – công trình từng đoạt giải Cảnh quan đô thị châu Á và được bình chọn là công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2023 tại World Travel Awards. Đây cũng được xem là biểu tượng du lịch mới của Phú Yên khi công trình có kiến trúc độc đáo này ngày càng thu hút du khách muôn nơi đến tham quan, check-in.
Tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong, ngay bên biển TP. Tuy Hòa, tháp được tạo hình theo di tích Quốc gia đặc biệt ghềnh Đá Đĩa và truyền thuyết “Trăm trứng trăm con” của Lạc Long quân và Âu Cơ. Theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp Báo Phú Yên, tháp Nghinh Phong đã trở thành sản phẩm du lịch mới - “thỏi nam châm” hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Các sự kiện lớn của tỉnh, hay các đoàn làm phim, gameshow cũng được tổ chức hoặc ghi hình tại đây. Và việc làm này đã góp phần quảng bá du lịch cho Phú Yên rất hiệu quả.
Chia sẻ của đồng nghiệp cũng đã phản ánh một thực tế hiện nay, đó là các mô hình check-in, biểu tượng vui đã xây dựng được hình ảnh thương hiệu cho nhiều điểm đến trên thế giới. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến cây Cầu Vàng của thành phố Đà Nẵng. Được khánh thành ở Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) tháng 6/2018, cây Cầu Vàng nhanh chóng thu hút những hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Và chỉ trong 3 tháng sau khi xuất hiện Cầu Vàng, Đà Nẵng đã có thêm 4 đường bay quốc tế mới. Ba năm liên tiếp (2020-2022), Cầu Vàng được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới… Theo thống kê, cứ 3 du khách quốc tế đăng ký tour thì sẽ có 2 khách yêu cầu check-in Cầu Vàng của Bà Nà Hills. Đến nay, sau 7 năm cây Cầu Vàng vẫn luôn được truyền thống quốc tế ca ngợi và là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Đà Nẵng.
Ngay như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ khi cây cầu đi bộ ngắm biển Hamptons Pier, cây cầu ngắm biển duy nhất tại Việt Nam đưa vào hoạt động từ năm 2022 cũng đã trở thành một hiện tượng thu hút hàng trăm du khách đến check-in mỗi ngày.
Ngoài những biểu tượng du lịch, văn hóa, lịch sử thì những công trình kiến trúc như đã kể trên đã khẳng định sức hút mãnh liệt nhờ sự sáng tạo của con người. Đặc biệt trong quá trình phát triển ngành du lịch - một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh thì đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm tạo ra những sản phẩm độc đáo để thu hút du khách. Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định “Phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”. Thành phố cũng đang triển khai dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân, trong đó khu vực Bãi Sau được quy hoạch thành trung tâm du lịch tầm cỡ, tạo các không gian tổ chức lễ hội, không gian du lịch, các công trình điểm nhấn của TP. Vũng Tàu, phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.
Thời gian qua, TP. Vũng Tàu cũng đang triển khai thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Công trình điểm nhấn tại Quảng trường Thùy Vân. Người dân kỳ vọng, tới đây TP. Vũng Tàu sẽ có một công trình quy mô mang tính biểu tượng du lịch độc đáo, tạo nên thương hiệu đẳng cấp tăng sức hấp dẫn thu hút du khách. Biểu tượng đó không chỉ tôn vinh điểm đến, giá trị lịch sử, không phá vỡ cảnh quan của thành phố mà còn chạm đến cảm xúc của du khách - điều mà một số điểm đến nổi tiếng trên cả nước đã làm được.
NGÔ GIA