Cùng giữ cho biển sạch!

Thứ Năm, 07/09/2023, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy tháng nay, rác đại dương chủ yếu là lục bình, củi mục và cả rác thải sinh hoạt như bao ni-lông, vỏ hộp cơm, chai nhựa, ly nhựa… thường xuyên tấp vào khu vực Bãi Trước, TP.Vũng Tàu. Những lúc sóng lớn, rác còn theo sóng nước dạt lên bờ kè công viên Bãi Trước. Lực lượng công nhân Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO) cùng các tình nguyện viên liên tục thu gom hàng ngày nhưng không xuể.

Bãi Trước là một bãi biển đẹp, biển êm, có công viên với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nên hàng ngày thu hút nhiều người dân địa phương và du khách đến vui chơi, tham quan, tập thể dục, tắm biển. Chứng kiến hình ảnh rác tràn ngập bãi biển, nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng.

Trước đây, theo chu kỳ hàng năm, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, hoặc cuối tháng 9, đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam, các bãi biển Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải đại dương, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày hoặc cả tuần. Vài năm gần đây, rác đại dương tấp vào các bãi biển Vũng Tàu ngày một nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn, có khi cả 2 tháng, không còn theo quy luật cũ. Đáng ngại hơn, năm nay còn xuất hiện nhiều loại rác thải sinh hoạt là túi ni-lông, hộp xốp, ly và chai nhựa.

Từ năm 2016 đến nay, TP.Vũng Tàu thực hiện chủ trương nhất quán cấm tụ tập ăn uống trên bãi biển, nơi công cộng. Song song đó, TP.Vũng Tàu cũng lắp đặt nhiều thùng rác tại khu vực công cộng để người dân, du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Theo đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân địa phương và du khách ngày càng nâng cao.

Cùng với đó, lực lượng của VESCO, Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, lực lượng vũ trang, các nhóm tình nguyện viên thường xuyên ra quân thu gom rác tại các bãi tắm và khu vực công cộng. Với sự nỗ lực của chính quyền và các lực lượng, các bãi biển của TP.Vũng Tàu luôn sạch sẽ, không còn cảnh rác tràn ngập như trước. Ngay cả khi Vũng Tàu tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí, du lịch trên bãi biển, thu hút hàng chục ngàn khán giả hoặc các dịp lễ, tết, bãi biển vẫn sạch sẽ. Đây chính là cơ sở để TP.Vũng Tàu được Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á công nhận “Thành phố du lịch sạch ASEAN” 2 lần liên tiếp vào năm 2020, 2022.

Tuy nhiên, rác đại dương đang là vấn đề nan giải và nằm ngoài khả năng xử lý của TP.Vũng Tàu. Trả lời phỏng vấn trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc VESCO nhận định nguyên nhân xuất hiện lượng rác đại dương khổng lồ như vậy trước hết là do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Sóng biển và dòng chảy ven bờ thay đổi theo gió mùa, mang theo rác từ các con sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, sông Tiền, sông Ray… ra biển, sau đó trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu. Ngoài ra, một bộ phận ngư dân xả rác trực tiếp ra biển khiến rác trôi dạt vào bờ.

Như vậy, ngoài nguyên nhân từ tự nhiên, tình trạng rác đại dương tấp vào các bãi biển của TP.Vũng Tàu còn có nguyên nhân từ ý thức con người. Để hạn chế tình trạng này, cần tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của ngư dân và người dân các tỉnh, thành lân cận trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng triển khai sâu rộng mô hình phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mô hình đổi rác lấy quà; thường xuyên ra quân thu gom rác; tổ chức cho học sinh tham gia nhặt rác để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay từ nhỏ.

Những hoạt động đó nhằm chuyển tải thông điệp hướng tới lối sống xanh, từ đó thay đổi ý thức, hành vi của người dân, doanh nghiệp trong lối sống, sản xuất kinh doanh gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Biển là của chung, không phải của riêng một cá nhân hay một địa phương nào đó. Giữ biển sạch không chỉ là giữ môi trường trong lành cho thế hệ hôm nay mà còn là giữ gìn cho các thế hệ con cháu mai sau. Biển có sạch sẽ hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân.

NGUYỄN ĐỨC

;
.