Lý giải sức hút của điểm đến
Ngọc Hân, du khách TP.Hồ Chí Minh đam mê xê dịch. Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Lạt là những nơi cô thường xuyên vi vu đến nỗi không thể nhớ mỗi năm đến bao nhiêu lần. Yêu nắng, biển, hải sản nhưng cũng thích cái lạnh sảng khoái và ngàn hoa của Đà Lạt. Với cô, 2 điểm đến trên đều phù hợp với quỹ thời gian nghỉ ngắn 2-3 ngày và có nét riêng về khí hậu, phong cảnh đẹp, món ăn ngon đặc trưng.
Nhưng khi so sánh điểm nào thích đi hơn, Ngọc Hân thích Đà Lạt. Giá khách sạn bình ổn. Vài khách sạn cô lưu trú nhiều lần trở thành thân quen luôn dành cho cô mức giá tốt nhất. Điểm làm cô cực kỳ ngạc nhiên là Đà Lạt có quá nhiều tuyến điểm du lịch mới, dù những điểm này chủ yếu đáp ứng nhu cầu check in “sống ảo” khoe cộng đồng mạng của đa phần du khách trong ngắn hạn.
Cô không có đam mê chụp ảnh nhưng vẫn lui tới dạo chơi, đắm chìm giữa không gian hoa. Hình ảnh chị em xúng xính áo quần đẹp tạo dáng bên hoa cũng rất vui mắt. Cô có cảm giác đến nhiều lần và đi liên tục vẫn không khám phá hết điểm đến mới của Đà Lạt.
Cô cũng thích dạo những con đường dốc ngắm mảng xanh được trồng có chủ đích nhưng trở thành tự nhiên của Đà Lạt. Mùa dã quỳ vàng rực tháng 11, tháng 12, anh đào nhuộm hồng cả con đường tháng đầu năm hay phượng tím nhung nhớ dịp tháng 3 và 4 cùng hàng hà loại cây trồng khác của Đà Lạt luôn làm nao lòng một người mê, yêu thiên nhiên, thích dịch chuyển như cô.
Sản phẩm đêm của Đà Lạt cũng đa dạng. Muốn nghe nhạc cực chất trong không gian “chill” giữa cao nguyên có Mây Lang Thang với lịch diễn cố định 2 ngày cuối tuần. Các quán cà phê, phòng trà cũng có không gian âm nhạc chuyên đề để du khách thư giãn. Lắng lòng với chất thơ lãng mạn cùng âm nhạc xong, muốn sôi động thì cuộc sống ở chợ đêm, Hồ Xuân Hương, quảng trường lâm viên, quán kem, quán cóc bán sữa đậu nành, bánh tráng nướng… loanh quanh chợ và trong khu trung tâm nườm nượp người đến tận khuya.
Đà Lạt đã xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, giải trí, mua sắm có tính kết nối chặt chẽ. Đến Đà Lạt, dù kỹ càng đến mấy du khách cũng phải tiêu tiền. Ngọc Hân nhẩm tính, 3 ngày ở Đà Lạt cô chi tiêu trên 3 triệu đồng. Tuy vậy, Ngọc Hân cũng cho rằng, Đà Lạt thiếu điểm đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa bản địa.
Từ câu chuyện của Ngọc Hân liên hệ về du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi muốn nói rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời điểm hiện tại rất thiếu điểm đến “sống ảo”, nhưng sản phẩm cá biệt, độc đáo, duy nhất để “kéo” khách không thiếu. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng tiêu chí xanh mà còn làm giàu vốn kiến thức, phù hợp xu hướng đi “một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Xã đảo Long Sơn và tín ngưỡng Ông Trần và di tích Nhà Lớn Long Sơn là một ví dụ. Nếp sống, sinh hoạt của cư dân đậm chất Nam bộ nhưng có nét kỳ bí. Xã đảo phát triển nghề nuôi hàu, cá lồng bè và hệ thống nhà hàng nổi trên sông. Giao thông kết nối Long Sơn với các khu vực lân cận thuận tiện.
Ở các vệ tinh như Bà Rịa, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ có nhiều nghề gắn bó lâu đời là sinh kế của người dân, thiên nhiên đồng quê trong lành bình dị làm say lòng người. Điều cấp thiết hiện nay là phải có nghiên cứu bài bản về khả năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó khuyến khích, hướng dẫn cách làm, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch để người dân mạnh dạn đầu tư đón khách du lịch.
Bên cạnh đó, cần có định hướng thu hút nhà đầu tư tâm huyết, đủ tầm biến nguồn “vốn” tự nhiên thành sản phẩm độc, lạ thì chắc chắn du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có bước đột phá, thu hút nguồn khách chất lượng và giữ chân du khách lưu lại lâu hơn.
TRẦN HIỀN