Cảnh giác với những cuộc gọi lạ!
Đang nghỉ trưa, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Bấm nút trả lời, đầu dây bên kia là một giọng nữ “tổng đài viên” thông báo: “Số điện thoại của quý khách sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng nữa, xin vui lòng liên hệ Bộ TT-TT để biết thêm chi tiết!”. Sau đó, nữ “tổng đài viên” hướng dẫn bấm phím “1” để gặp cán bộ tiếp nhận. Đầu dây bên kia, cũng là một giọng nữ hỏi thông tin cá nhân. Tôi khai bằng một cái tên của… diễn viên hài nổi tiếng. Biết đã bị lộ, “cán bộ” nọ liền cúp máy cái rụp.
Do đã đọc nhiều thông tin về các vụ lừa đảo qua điện thoại nên tôi không khó để nhận ra đây cũng là một cuộc gọi với mục đích lừa đảo. Người nhận không tỉnh táo sẽ bị bọn chúng dẫn dắt vòng vo, dẫn đến khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền cho chúng để giải quyết vụ việc.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, tàn nhẫn và liên tục thay đổi. Gần đây nhất, chúng gọi điện cho nhiều phụ huynh ở TP.Hồ Chí Minh thông báo việc con em mình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để đóng viện phí. Với tâm lý lo lắng cho con, nhiều phụ huynh không kịp suy nghĩ thêm hoặc không thể liên hệ được với giáo viên, nhà trường để xác minh nên đã chuyển tiền cho chúng. Chưa kể, hàng chục trường hợp dù chưa chuyển tiền nhưng cũng phải bỏ dở công việc, vội vã chạy đến trường, đến bệnh viện để xác minh trong tâm trạng lo lắng.
Đấy là những cuộc gọi lừa đảo, còn những cuộc gọi quảng cáo mời chào mua nhà đất, bảo hiểm, học ngoại ngữ cũng khiến người dùng phiền lòng. Người viết bài này thường xuyên nhận được những cuộc gọi như vậy, trong đó không ít lần giật mình bởi lời mở đầu: “Xin lỗi, anh có phải là phụ huynh của bé A. không?...”. Chỉ khi đầu dây bên kia nói rằng họ gọi đến từ một trung tâm Anh ngữ nào đó, mời đưa con đến trải nghiệm phương pháp học tập mới, nỗi lo đó mới chấm dứt.
Ai tiết lộ thông tin cá nhân người dùng và làm thế nào để ngăn chặn những cuộc gọi lừa đảo, làm phiền qua điện thoại là câu hỏi đã được nhiều người đặt ra từ nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, cũng như biện pháp xử lý hữu hiệu.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi khi chúng thường nhắm đến những người yếu tâm lý là người già, phụ nữ hoặc đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh cho con em mình. Sau những “đòn tâm lý” phủ đầu, nhận định được khả năng “con mồi” có thể dính bẫy, chúng sẽ tấn công liên tục. Nạn nhân không có thời gian và cơ hội suy nghĩ hay tìm sự giúp đỡ, bởi chúng đe dọa không được báo cho ai biết, hoặc liên tục gọi điện, dẫn dắt nạn nhân nói chuyện vòng vo với nhiều “cán bộ có chức năng” nhằm khiến nạn nhân bị rối trí, không còn tỉnh táo để nhận định tình hình.
Hành vi lừa đảo qua điện thoại không mới và các cơ quan chức năng đã thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người dân. Tuy vậy, các đối tượng lừa đảo rất tinh vi khi thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn. Trong số hàng trăm cuộc gọi đến người dùng, chỉ cần một người “sập bẫy” là bọn chúng đã thành công.
Trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý triệt để các đối tượng lừa đảo này là rất khó. Do vậy, để bảo vệ tài sản của mình, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm chứng thông tin. Nếu được yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp số tài khoản, mật khẩu ngân hàng thì càng cần phải bình tĩnh, xác minh đầy đủ hoặc thông báo cho người thân khác để phòng ngừa bị lừa đảo. Đồng thời, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất (công an phường, xã, thị trấn; công an huyện, thị, thành phố) để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan công an điều tra, xử lý.
NGUYỄN ĐỨC