.

Nghĩ từ chuyện trái nhãn tươi xuất khẩu qua Nhật

Cập nhật: 18:21, 04/01/2023 (GMT+7)

Sau 6 năm đàm phán, lô nhãn 10 tấn đầu tiên được vận chuyển bằng đường hàng không từ ngày 3/1 để lên kệ tại siêu thị Nhật Bản sau 4 ngày tới. Tiếp theo, mỗi tháng Công ty TNHH Hoàng Phát tại Long An sẽ cung ứng khoảng 70-100 tấn nhãn tươi bằng đường biển và đường hàng không sang thị trường này.

6 năm đàm phán để mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái nhãn tươi của Việt Nam cho thấy đây là một thị trường rất khắt khe, minh bạch, yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới. Được biết, để xuất khẩu lô trái nhãn này sang Nhật Bản, Công ty đã phải trải qua nhiều quy trình đánh giá khắt khe, được cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy, không dư lượng hóa chất, đảm bảo quy trình xử lý lạnh ở 1,30C trong vòng 13 ngày dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản.

Như vậy, tính tới thời điểm này, đã có 4 loại trái cây Việt được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bao gồm thanh long, xoài, vải và nhãn.

Nói đến trái nhãn - không thể không nhắc đến đặc sản nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu với diện tích hơn 700ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn mỗi năm. Nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được đánh giá là có chất lượng tốt hơn các nơi khác, do được trồng trên vùng đất cát giàu nguyên tố kali và các nguyên tố vi lượng nên trái nhãn có vị ngon, ngọt, có màu vàng đặc trưng, tỷ lệ thịt trái (61,1-62,4%) cao vượt trội. Thế nhưng thị trường tiêu thụ của trái nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ loanh quanh trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Đến nay mới chỉ có HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) trồng bài bản, đạt chuẩn VietGAP và mới tiếp cận được thị trường Trung Quốc nhưng cũng xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.

Dù có nhiều ưu thế vượt trội, tuy nhiên trái nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa được nâng cao giá trị, nhất là vươn ra thị trường thế giới. Là loại trái được quy hoạch là cây ăn trái chủ lực của tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiến tới xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho  nhãn xuồng cơm vàng. Ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của nông dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Việc trái nhãn tươi được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ngay trong đầu năm mới 2023 này, trước đó là Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ, Pháp… cho thấy cơ hội xuất khẩu loại trái cây chủ lực của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn đang rộng mở. Điều cần làm lúc này là trong quá trình sản xuất, nông dân - doanh nghiệp - HTX phải cùng nhau làm đúng cam kết, quy định của quốc gia nhập khẩu. Trong đó, nông dân phải nhận thức được vấn đề về sản xuất sạch, an toàn, chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, chủ động tham gia vào chuỗi xuất khẩu.

NGÔ GIA

 

.
.
.