Chăm chút cho "của để dành"
Hơn 11.500 trường hợp rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm 2022 đến nay và thực trạng đáng buồn này vẫn chưa dừng lại. Con số thống kê mà cơ quan BHXH đưa ra khiến chúng ta băn khoăn, trăn trở, khi trong số những người đi rút BHXH 1 lần có nhiều người đóng được gần 20 năm, sắp đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Cả nước hiện có gần 34% người tham gia BHXH. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, cứ 2 người mới tham gia vào hệ thống BHXH, thì 1 người rời đi. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi. Tình trạng này không chỉ tác động đến cá nhân người lao động, mà còn ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện chính sách, cũng như tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động rời bỏ quyền lợi từ hệ thống an sinh xã hội. Có người do dịch bệnh, mất việc, trong khi không có tích lũy nên phải rút BHXH 1 lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Có người quyết định rút BHXH 1 lần vì thiếu niềm tin vào chính sách. “Không may quỹ này bị vỡ hoặc có việc bất trắc xảy ra, thì không biết có nhận được tiền bảo hiểm đã đóng hay không”, nhiều người thẳng thắn chia sẻ.
Các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Một trong những việc cấp bách là thiết kế lại chính sách theo hướng tăng quyền lợi đối với người lao động tham gia BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Được biết, Bộ LĐTBXH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Nhiều chuyên gia lao động tin rằng, giảm thời gian tham gia BHXH xuống còn 10-15 năm sẽ có lợi cho người dân. Quy định này được thực hiện sẽ khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH, chờ đủ thời gian để hưởng lương hưu, thay vì rút BHXH 1 lần. Việc thiết kế lại chính sách theo hướng này sẽ khiến người lao động cảm thấy ở lại với hệ thống có lợi hơn là rời đi.
Việc người dân ồ ạt rút BHXH 1 lần cần phải được nhìn nhận là điều không bình thường, không chỉ tác động đến cá nhân người lao động, mà còn gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH và an toàn hệ thống an sinh xã hội. Thời gian qua, nhiều người lao động quyết định rút BHXH 1 lần vì “sợ chết, sợ lỗ sẽ không kịp hưởng lương hưu” hoặc “không biết quỹ BHXH có được bảo toàn, duy trì, phát triển hay không".
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng “sự nhầm lẫn lớn” đó của một bộ phận người lao động đến từ sự thiếu thông tin, do thiếu hoạt động tư vấn hỗ trợ và cả tính kém hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền nâng cao hiểu biết và nhận thức về BHXH trong nhân dân.
Bên cạnh việc thiết kế lại chính sách, việc tăng cường truyền thông để người dân hiểu đúng, hiểu sâu về BHXH là hết sức cần thiết. Trước hết, phải cho người lao động hiểu rằng, khoản đóng BHXH như là “của để dành”, phòng xa cho cuộc sống sau này của người lao động khi hết tuổi lao động. Khi ấy, người lao động có thể lấy tiền của mình thông qua lương hưu hàng tháng, không ai lấy được, không mất đi đâu.
Những tháng cuối năm 2022, trong làn sóng nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu và giảm hoặc hết đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho công nhân tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, cơ quan chức năng lo ngại số người rút BHXH sẽ tiếp tục gia tăng. Một người quyết định rút BHXH là tạo thêm một gánh nặng lên hệ thống an sinh và ngân sách. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính phương án hỗ trợ trong lúc người lao động gặp khó khăn; cho vay tín dụng với lãi suất thấp, điều kiện vay đơn giản, tránh cho người lao động phải tìm tới “tín dụng đen”.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định, bảo đảm an sinh khi về già, thì không lý do gì người lao động tính chuyện rút BHXH một lần.
NGUYỄN TRIỆU HẢI