Bình đẳng trong thưởng Tết
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết Nguyên đán là khắp nơi lại râm ran chuyện thưởng Tết, rồi thì so sánh người này được thưởng cao, người kia thấp. Năm nay, mới đầu tháng Chạp, việc thưởng Tết đã có nhiều tín hiệu vui với những đơn vị có mức thưởng Tết như nhau, từ lãnh đạo cao nhất đến nhân viên tạp vụ, bảo vệ.
Ở các cơ quan nhà nước, mức thưởng Tết bằng nhau là khá phổ biến, nhưng với các DN, đơn vị tự chủ tài chính, đây là chuyện còn hiếm. Hai đơn vị được dư luận nhắc đến nhiều nhất những ngày qua với mức thưởng Tết bình đẳng “trăm người như một”, là Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (25 triệu đồng/người) và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (20 triệu đồng/người).
Lãnh đạo 2 đơn vị trên giải thích: Mức thưởng này giống nhau từ lãnh đạo đến nhân viên, lao công, không phân biệt vị trí, công việc bởi hằng tháng, lương của mỗi người đã khác nhau. "Trong suốt một năm, hằng tháng các cán bộ quản lý, người có bằng cấp cao công tác tại trường đều có thu nhập tương ứng và đều nhận mức cao hơn người lao động bình thường khác rồi. Trong khi tất cả mọi người ai cũng ăn Tết như nhau, không phải hiệu trưởng ăn Tết to hơn tạp vụ", PGS.TS.Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đúng như lời vị hiệu trưởng nêu trên, mọi người dù là lãnh đạo hay nhân viên, ai cũng đón Tết như nhau, cũng có những khoản cần phải chi tiêu trong gia đình. Hơn nữa, với nhiều người lao động bình thường, thưởng Tết được coi như khoản để dành, bởi đa phần thu nhập hàng tháng trong năm chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Vì vậy, phần lớn người lao động làm công ăn lương đều tính toán khoản thưởng này sẽ dùng để mua sắm, trang trải cho những dự định, từ việc lớn như sửa sang nhà cửa, mua chiếc xe mới, thay bộ bàn ghế, cái ti vi, cái điện thoại, quà biếu nội-ngoại… đến việc nhỏ như mua cho con đôi giày, bộ đồ mới.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị thì nói: "Chúng tôi chọn chia đều vì thành quả công ty đạt được là kết quả của sự đóng góp công sức của tất cả mọi người. Mỗi người mỗi công việc và công việc đó đều đem lại giá trị chung cho công ty”. Thường ngày, tùy theo vị trí công việc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi người lao động trong một tập thể đều đảm đương và làm tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi người cũng sẽ được hưởng mức lương/thu nhập phù hợp với vị trí việc làm và ai cũng vui vẻ chấp nhận. Điều đó có nghĩa là người có chức vụ cao hơn, làm việc ở vị trí đòi hỏi lao động chất xám nhiều hơn, độ khó nhiều hơn đương nhiên được hưởng các chế độ lương, phụ cấp cao hơn những người lao động khác như bảo vệ, tạp vụ.
Thế nhưng, trong thành quả chung của một tập thể, dù là lao động giản đơn hay phức tạp thì mọi người đều có đóng góp nhất định. Tập thể lao động cùng tạo ra giá trị và lợi nhuận cho cơ quan, đơn vị, DN. Việc chia đều thưởng Tết cho mọi cán bộ, nhân viên là chia đều thành quả lao động của tập thể sau 1 năm làm việc và mọi người cùng xứng đáng được hưởng. Cũng giống như câu chuyện Bác Hồ kể về chiếc đồng hồ, để mọi người cùng nhận ra rằng: một cỗ máy sẽ không thể hoạt động nếu thiếu một bộ phận nào đó. Do vậy, chúng ta không thể đánh giá bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào, cũng như không thể nói công việc của người này quan trọng hơn công việc của người kia.
Cách lý giải về việc chia đều tiền thưởng Tết của lãnh đạo 2 đơn vị trên đã nhận được sự đồng tình và nhiều lời khen của cộng đồng. Sự quan tâm, công bằng của lãnh đạo khiến người lao động cảm thấy mình được coi trọng. “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, lãnh đạo và nhân viên đều hưởng chung một mức thưởng Tết không phải là sự cào bằng mà là sự ghi nhận công sức của tất cả mọi người trong tập thể. Từ đó, người lao động càng gắn bó và hết lòng cống hiến cho nơi mình làm việc. Đó chính là giá trị bền vững mà mỗi tổ chức, DN đều hướng tới.
Hy vọng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được nhiều câu chuyện thưởng Tết vui như vậy, để Tết của mọi người, mọi nhà cùng đủ đầy, đầm ấm và vui như… Tết!
NGUYỄN ĐỨC