.

Đường tới phồn vinh, hạnh phúc

Cập nhật: 19:28, 03/01/2023 (GMT+7)

Ngay trong ngày đầu năm mới 2023, 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đã được khởi công.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729km, đi qua 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cách đây gần 1 năm, ngày 10/1/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chỉ 1 tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 và sau đó tiếp tục ban hành Nghị quyết 119 để triển khai Nghị quyết 44 của Quốc hội, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành dự án rất cụ thể.

Thông tin từ Bộ GT-VT cho biết, 12 dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua.

Nhờ đó, chỉ trong gần 1 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063km, nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến Bắc - Nam phía Đông với chiều dài hơn 2.000km và đang đẩy nhanh tiến độ 23 dự án thành phần để hoàn thành mục tiêu nối thông suốt toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau vào năm 2025.

Hòa cùng khí thế chung đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngay trong những ngày đầu năm, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm cũng đang gấp rút hoàn thành và khởi công. Đặc biệt, dự án giao thông trọng điểm là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An nối với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tuyến đường ven biển 994 kết nối với tỉnh Bình Thuận; tuyến đường vành đai 4 đang được tỉnh quyết liệt đẩy nhanh tiến độ những phần việc quan trọng để có thể khởi công trong năm 2023 này.

Trong cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế. Trong bài “Công việc khẩn cấp bây giờ”, được viết ngày 5/11/1946, Bác Hồ cũng đã khẳng định: “… Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”.

Như vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải luôn phải là "đi trước một bước". Bởi lẽ, đường mở đến đâu, nơi đó kinh tế - xã hội, đời sống người dân sẽ phát triển nhanh, mạnh đến đó. Kỳ vọng, các siêu dự án như đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3, Vành đai 4… sẽ tạo nên những bước đột phá không chỉ về hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc hơn.

LAM GIANG

.
.
.