.

Tận dụng ưu thế người đi đầu

Cập nhật: 19:34, 27/12/2022 (GMT+7)

Sau 3 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là đánh giá của Bộ Công thương tại hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu”, diễn ra ngày 26/12 vừa qua.

Có hiệu lực với Việt Nam từ đầu 2019, cùng với loat FTA khác, CPTPP là cú hích cho các ngành hàng, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong mở cửa thị trường, gia tăng xuất khẩu. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Riêng 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu 43 tỷ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ, xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, rõ ràng Việt Nam được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, nhất là với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico… Đặc biệt, CPTPP đã đem lại một lợi thế thuế quan 10-20% cho hàng hóa của Việt Nam đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực. Đây được xem là con số rất lớn, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất rõ rệt cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều thay đổi, bước sang năm thứ tư thực thi Hiệp định, những lợi thế “người đi đầu” của Việt Nam không còn kéo dài, do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chân hơn nữa để khai thác tối đa ưu đãi từ CPTPP. Vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế của hiệp định. Phản ánh từ phía doanh nghiệp cho thấy, họ vẫn đối mặt với một số khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia CPTPP. Đó là chi phí về logistics, vận tải gia tăng, nguồn nguyên liệu nội khối khan hiếm…

Tới đây, khi Malaysia, Chile hoàn thành quá trình phê chuẩn và một số nền kinh tế khác cũng tham gia vào CPTPP sẽ gia tăng tính cạnh tranh rất lớn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan để có chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, làm tốt ở công đoạn nào, cạnh tranh ở chỗ đó. Đồng thời tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu nhằm giải bài toán về nguyên vật liệu. Một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là cần chuyển hướng sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp…

Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp thì vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng cũng vô cùng quan trọng, nhất là góp phần định vị thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

LAM GIANG

.
.
.